Hiện nay, các món nướng được rất nhiều gia đình ưa chuộng. Chính vì thế, lò nướng, bếp nướng cũng ngày một phổ biến trong mỗi gia đình. Tuy nhiên, việc sử dụng những thiết bị này không đúng cách có thể tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ hoặc khiến người dùng bị thương.

Nguyên nhân gây cháy nổ bếp nướng, lò nướng

Trên thực tế, hiện nay, hầu hết các hộ gia đình trang bị bếp nướng, lò nướng điện. Những thiết bị này khi hoạt động sẽ tiêu thụ một lượng điện rất lớn, do đó, hệ thống đường dây điện cần được đảm bảo đáp ứng được công suất cao của những thiết bị này để phòng ngừa nguy cơ chập, cháy điện.

Cũng giống như nhiều thiết bị điện khác, nếu lò nướng, bếp nướng được đặt trong khu vực có lửa như bếp gas, bếp than hoặc các khu vực có nước như bồn rửa bát… cũng có nguy cơ chập cháy cao.

Thậm chí, nhiều gia đình để bếp nướng, lò nướng sử dụng chung nguồn điện với các thiết bị tiêu tốn điện năng khác như lò vi sóng, tủ lạnh… dễ gây quá tải dòng điện, dẫn tới chập cháy.

W-z4973982752716-57b98e47e8b9e31d4881ea07a2726f6c-1.jpg
Sử dụng thiết bị bếp nướng, lò nướng không đúng cách sẽ tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ

Ngoài ra, theo Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), các vụ cháy liên quan tới lò nướng, bếp nướng chủ yếu bắt nguồn từ những nguyên liệu, vật liệu nấu ăn dễ cháy.

Trong khi đó, nhiều gia đình có thói quen sử dụng các loại đồ dùng, vật dụng đễ bắt lửa như giấy, xốp, nhựa… Đây đều là những vật liệu rất nguy hiểm nếu sử dụng trong lò vi sóng, lò nướng bằng điện.

Đảm bảo an toàn phòng cháy khi sử dụng bếp nướng, lò nướng

Để đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy khi sử dụng bếp nướng, lò nướng, các hộ gia đình cần bố trí khu vực đặt các thiết bị thông thoáng, cách xa nguồn lửa để phòng ngừa tình trạng chập cháy.

Bên cạnh đó, hệ thống điện phục vụ cho bếp nướng, lò nướng cần được bố trí đường dây riêng, đáp ứng đủ công suất tiêu thụ điện của những thiết bị này. Hạn chế đặt bếp nướng, lò nướng gần các thiết bị tiêu tốn điện năng khác như lò vi sóng, tủ lạnh…

Không nên sử dụng bếp nướng, lò nướng cùng lúc với nhiều thiết bị điện khác để phòng ngừa nguy cơ quá tải, dễ dẫn tới tình trạng chập cháy.

Đối với bếp nướng, lò nướng điện, không đặt thực phẩm trong các đồ đựng từ các vật liệu dễ bắt lửa, không đúng khuyến cáo nhà sản xuất. Nên sử dụng đồ đựng được làm bằng thủy tinh hoặc gốm sứ chịu nhiệt để chế biến các món ăn trong lò nướng.

Đối với bếp nướng cồn, hoặc than hoa, cần đảm bảo tuyệt đối an toàn PCCC. Khi chế biến thực phẩm, phải luôn có người giám sát, cách xa trẻ em và các vật liệu dễ cháy nổ.

Các loại bếp nướng, lò nướng cần đặt cách xa các chai đựng dầu mỡ, xăng dầu, bình gas… bởi đây đều là những nguyên vật liệu rất dễ bén lửa, có nguy cơ cháy nổ rất cao và nguy hiểm.

Cùng với đó, các gia đình cần tự nâng cao ý thức phòng cháy chữa cháy tại nhà, trang bị các thiết bị chữa cháy ban đầu tại nhà để có thể kịp thời xử lý khi sự cố xảy ra.