Ban chuyên đề Công an TP.HCM phối hợp Phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PC07) Công an TP tổ chức buổi tọa đàm "Phòng cháy chữa cháy nhà cao tầng, khu công nghiệp”.

Nêu ý kiến tại tọa đàm, nhiều doanh nghiệp cho rằng họ chỉ là người thuê mặt bằng tại các công trình đã được thẩm duyệt nghiệm thu về PCCC. Tuy nhiên, theo quy định, doanh nghiệp phải thẩm duyệt, nghiệm thu lại theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành. Điều này rất khó thực hiện vì khó tìm được phương án khả thi hoặc kinh phí lớn.

Ngoài ra, khi thẩm duyệt lại đối với công trình hoặc một số hạng mục công trình sẽ áp dụng các quy định tiêu chuẩn hiện hành có yêu cầu cao hơn thời điểm cơ sở đưa công trình vào hoạt động nên dẫn đến tình trạng khó đáp ứng hoặc không thể đáp ứng được đầy đủ các quy định.

huynh quang tam.jpeg
Đại tá Huỳnh Quang Tâm - Trưởng Phòng PC07 Công an TP.HCM.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Đại tá Huỳnh Quang Tâm - Trưởng Phòng PC07 Công an TP.HCM cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài, trong thời gian qua, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Doanh nghiệp, người dân thuê mặt bằng để đầu tư xây dựng, lắp đặt hệ thống PCCC cũng vấp phải nhiều khó khăn. Kinh phí đầu tư hoạt động trở lại rất lớn, trong đó có kinh phí đầu tư cho công tác PCCC.

Do đó, lực lượng của Phòng PC07 sẽ hướng dẫn đồng thời đưa ra những phương án để các cơ sở khắc phục những tồn tại, phục hồi hoạt động. Bên canh đó, lực lượng chức năng sẽ duy trì công tác kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc khắc phục các tồn tại, vi phạm để kịp thời nhắc nhở, hướng dẫn phương án khắc phục phù hợp với từng điều kiện của cơ sở.

Cả nước có 1.333 nhà cao tầng

Tại tọa đàm, Đại tá Nguyễn Minh Khương - Phó Cục trưởng Cục C07 (Bộ Công an) cho biết, hiện cả nước có khoảng hơn 329 khu công nghiệp, 6 khu chế xuất, 4 khu công nghệ cao và 415 cụm công nghiệp; có khoảng 112.783 cơ sở sản xuất, kho hàng thuộc diện quản lý về PCCC tại KCN, khu dân cư; đối với nhà cao tầng, có khoảng 1.333 nhà cao tầng (từ 10 tầng trở lên).

Tính đến ngày 23/5/2023, toàn quốc có 1.853 dự án, công trình xây dựng mới có khó khăn vướng mắc trong quá trình thẩm duyệt về PCCC nên chưa được cấp giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về PCCC; có 554 dự án, công trình có khó khăn vướng mắc trong quá trình nghiệm thu về PCCC nên chưa được cấp văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu PCCC.

nguyen minh khuong.jpeg
Đại tá Nguyễn Minh Khương - Phó Cục trưởng Cục C07 Bộ Công an.

Cả nước còn có 38.140/1.182.722 (chiếm 3,22%) cơ sở hiện hữu đã đưa vào sử dụng còn tồn tại, vi phạm về PCCC khó có khả năng khắc phục theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC ở thời điểm đưa vào hoạt động. Phần lớn những khó khăn vướng mắc về PCCC tập trung vào loại hình nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, cơ sở lưu trú, cơ sở sản xuất công nghiệp...

Phó Cục trưởng Cục C07 Bộ Công an đề cập đến các vi phạm thường gặp về lối thoát nạn ở nhà cao tầng và khu công nghiệp. Vi phạm chủ yếu là bố trí vật dụng trên hành lang, trong cầu thang thoát nạn. Cửa vào buồng thang không đảm bảo tự động đóng kín, do hỏng cơ cấu tự đóng, do người sử dụng chèn cửa.

Ngoài ra còn có tình trạng khóa, đóng cửa lối thoát nạn, cửa lối lên mái nhà, không có sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn ở từng tầng, đèn chỉ dẫn lối thoát nạn không đảm bảo hoạt động…

Nguyên nhân dẫn đến những sai phạm chủ yếu là ý thức chấp hành quy định pháp luật về PCCC của chủ đầu tư chưa đầy đủ hoặc chưa nắm rõ quy định về PCCC.

Ngoài ra còn có tình trạng chủ đầu tư đặt nặng mục tiêu lợi nhuận, cắt giảm chi phí đầu tư cho PCCC. Một số chủ đầu tư cố tình thi công hệ thống PCCC không đúng thiết kế được duyệt; không thẩm duyệt, nghiệm thu PCCC trước khi đưa công trình vào hoạt động.