Từ tháng 12/2022 đến tháng 11/2023, Công an tỉnh Kon Tum đã triển khai thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp về việc huy động lực lượng, phương tiện và tài sản để xử lý các tình huống cháy, sự cố, tai nạn có quy mô lớn, diễn biến phức tạp khi vượt quá khả năng ứng phó của lực lượng, phương tiện thuộc phạm vi quản lý.
Công an tỉnh Kon Tum đã kịp thời tổ chức quán triệt, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Hướng dẫn của Bộ trưởng Công an về huy động lực lượng, phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ của Công an các địa phương để xử lý tình huống cháy, sự cố, tai nạn có quy mô lớn, diễn biến phức tạp; Kế hoạch của Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC&CNCH về huy động lực lượng, phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ của Công an các địa phương để xử lý tình huống cháy, sự cố, tai nạn có quy mô lớn, diễn biến phức tạp trong toàn Công an tỉnh và Quy chế phối hợp tới toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong Công an tỉnh và nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ban hành kế hoạch về huy động tối đa các lực lượng, phương tiện tài sản của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và các cá nhân để chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của các cấp, các ngành trong trường hợp xảy ra cháy, nổ, sự cố, tai nạn trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Kịp thời chỉ đạo Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an các huyện, thành phố xây dựng, phê duyệt phương án chữa cháy, phương án CNCH của cơ quan Công an theo chỉ tiêu của Cục phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ giao.
Xây dựng phương án chữa cháy của cơ quan Công an huy động nhiều lực lượng, phương tiện đối với Trung tâm hành chính tỉnh Kon Tum trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt. Triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 131/KH-BCA ngày 15/3/2023 của Bộ Công an về triển khai thực hiện Đề án Xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; Kế hoạch số 455/KH-BCA-C07, ngày 20/9/2022 của Bộ Công an về triển khai thực hiện Đề án “Tổ chức huấn luyện, huy động lực lượng Cảnh sát cơ động tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khi cần thiết” giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2027. Năm 2023, Công an tỉnh Kon Tum đã tổ chức 1 lớp huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy và CNCH cho lực lượng Cảnh sát cơ động và chiến sĩ nghĩa vụ mới với 180 học viên tham gia.
Mặc dù đã quyết liệt triển khai thực hiện có hiệu quả, song trong thực tế vẫn còn tồn tại một số bất cập, như: Công tác xây dựng và phát triển lực lượng chữa cháy, CNCH tại chỗ (lực lượng dân phòng, PCCC cơ sở, chuyên ngành) còn nhiều bất cập; việc trang bị phương tiện cho lực lượng tại chỗ còn thiếu; hoạt động mang tính hình thức do hầu hết lực lượng làm công tác này là kiêm nhiệm, chủ yếu làm việc trong giờ hành chính nên các buổi tối, ngày nghỉ, lực lượng thường trực mỏng; chế độ chính sách cho lực lượng này không đồng đều.
Số lượng phương tiện, thiết bị phục vụ công tác chữa cháy, CNCH còn hạn chế dẫn đến việc huy động lực lượng, phương tiện của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân để chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ chưa kịp thời, hiệu quả chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ chưa cao.
Những tồn tại, hạn chế nêu trên xuất phát từ những nguyên nhân như: Do quá trình phát triển kinh tế, xã hội dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ về cháy, nổ, sự cố, tai nạn; điều kiện thời tiết thất thường; điều kiện cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng, bến bãi, nguồn nước phục vụ cho công tác PCCC, CNCH còn hạn chế (nhiều tuyến đường từ huyện, thành phố đến trung tâm xã có chiều rộng chưa đảm bảo, nhiều cầu tạm nhỏ, hệ thống dây điện chèn chịt bắc ngang qua đường không đủ chiều cao thông thuỷ không đảm bảo để phương tiện xe chữa cháy, xe CNCH lưu thông).
Việc triển khai các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong công tác PCCC, CNCH được thực hiện nghiêm túc, tuy nhiên, công tác kiểm tra kết quả thực hiện đối với các cấp, các ngành trong từng lúc, từng nơi chưa thường xuyên do địa bàn một xã vùng sâu vùng xa, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số.
Chất lượng hoạt động của một số lực lượng trong công tác chữa cháy, CNCH hiệu quả chưa cao; việc trang bị thiết bị, phương tiện thiết bị PCCC, CNCH còn thô sơ, còn thiếu chưa đảm bảo yêu cầu thực hiện nhiệm vụ được giao (đặc biệt là lực lượng dân phòng).
Chế độ chính sách đối với các lực lượng tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy, CNCH đôi lúc chưa được quan tâm kịp thời, đúng mức.
Vì vậy, cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các quy chế phối hợp giữa Công an các tỉnh, thành trong công tác phối hợp để chữa cháy và CNCH đã được ký kết; định kỳ sơ, tổng kết rút kinh nghiệm để triển khai thực hiện ngày càng hiệu quả hơn.
Tiếp tục tham mưu UBND tỉnh đầu tư kinh phí mua sắm trang thiết bị, phương tiện PCCC, CNCH cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH cũng như lực lượng dân phòng trên địa bàn tỉnh.