Lời tòa soạn
Từ 1/1/2023, sổ hộ khẩu giấy chính thức bị "khai tử". Theo Bộ Công an, có 7 phương thức để thay thế sổ hộ khẩu, trong đó chủ yếu thực hiện trên không gian Internet. Tuy nhiên, nhiều câu chuyện "cười ra nước mắt" khi bỏ hộ khẩu giấy, người dân phải ngược xuôi đi xác nhận cư trú. PV VietNamNet trực tiếp ghi nhận tại các địa phương.  

Thủ tục đất đai làm ở Hải Dương, phải xin xác nhận cư trú ở Hà Nội 

Sau hai ngày chờ đợi, cuối tháng 2/2023, anh T.V.C. (42 tuổi, trú tại Nam Từ Liêm, Hà Nội) lên trụ sở công an phường sở tại để nhận giấy xác nhận cư trú rồi bắt xe khách về thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương bổ sung giấy tờ để làm thủ tục đất đai.

Theo anh C. các loại giấy tờ được anh nộp tại văn phòng đăng ký đất đai từ khi sổ hộ khẩu giấy vẫn còn hiệu lực. Sau ngày 1/1/2023, khi sổ hộ khẩu không còn hiệu lực thì anh nhận được yêu cầu phải nộp bổ sung giấy xác nhận cư trú.

“Sau khi bỏ sổ hộ khẩu, tưởng thủ tục hành chính bớt đi một khâu nhưng không ngờ còn mất thời gian hơn. Trước kia, tôi đã mang bản công chứng sổ hộ khẩu từ nhà đến nơi làm thủ tục là xong, nhưng nay phải đến công an phường nơi cư trú xin xác nhận rồi cầm giấy về Hải Dương để làm thủ tục”, anh T.V.C. nói.

Không chỉ mất thời gian đi lại, anh C. cũng cho biết, giấy xác nhận cư trú có hiệu lực chỉ trong 30 ngày là quá ngắn.

“Nhiều khi mình vừa lên xin giấy xác nhận để làm thủ tục này, 30 ngày sau đã hết hạn thì phải đi xin một bản khác”, anh T.V.C nói. 

Người dân giải quyết thủ tục hành chính ở Hà Nội. 

Tuy cùng liên quan đến việc xác minh cư trú, nhưng trường hợp của anh P.Q.H. (35 tuổi) lại đặc biệt hơn khi được chính cán bộ làm giúp bước xác minh này.

Cụ thể, ngày 6/2, anh H. đến UBND phường Phúc La, quận Hà Đông (Hà Nội) để xin giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Mặc dù anh H. thường trú tại phường đã lâu và có thẻ căn cước công dân gắn chip nhưng cán bộ Tư pháp - Hộ tịch vẫn phải làm công văn đề nghị xác minh tình trạng hôn nhân gửi cho UBND thị trấn Vân Đình (Ứng Hòa) là nơi thường trú trước đây của anh H.

Ông Nguyễn Quý Long, cán bộ tiếp nhận hồ sơ một cửa của UBND phường Phúc La cho biết, cán bộ phường phải làm thêm một bước xác minh như vậy do trước khi xác nhận cho công dân thì cán bộ Tư pháp - Hộ tịch phải nắm được thông tin cư trú của người dân, kèm theo đủ mốc thời gian.

“Nếu như trước đây, chúng tôi chỉ cần kiểm tra trong sổ hộ khẩu là đầy đủ thông tin thì nay không có phương thức nào khác để kiểm tra. Buộc phải gửi công văn cho từng UBND nơi công dân đã thường trú để xác minh lại”, ông Nguyễn Quý Long nói.

Cũng theo ông Long, trung bình mỗi tháng UBND phường tiếp nhận 51 trường hợp đề nghị cấp giấy xác nhận hôn nhân và 12 trường hợp đăng ký kết hôn có liên quan đến các thủ tục như kết hôn, vay ngân hàng, mua bán tài sản, nhà đất... Việc phải thực hiện thêm công đoạn gửi công văn xác minh khiến cán bộ, công chức phường mất thêm thời gian.

Xin xác nhận cư trú: Người dân mất thời gian, công an thêm nhiều việc

Theo Thiếu tá Lê Phi Minh – Phó trưởng công an phường Thuận Phước (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), sau khi bỏ sổ hộ khẩu thì phải cần có xác nhận cư trú, việc này đã gây mất thời gian “phiền hà” cho người dân khi đi làm thủ tục hành chính.

Trước đây, Công an phường Thuận Phước một tuần xác nhận cho 1 - 2 cư trú, còn hiện nay cao điểm mỗi ngày phải làm xác nhận cư trú khoảng 10 trường hợp. Trong đó đa số người dân làm xác nhận liên quan đến thủ tục ngân hàng, đất đai.

Thiếu tá Lê Phi Minh dẫn chứng, đi giao dịch ngân hàng trước đây chỉ cần đem sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân thì chỉ mất khoảng một buổi. Còn bây giờ người dân muốn làm phải ra công an phường xin giấy xác nhận cư trú mất 1 ngày, sau đó ra ngân hàng làm thủ tục, việc này vô tình sẽ gây chậm cho người dân.

Mỗi ngày công an phường Thuận Phước tiếp nhận trên 10 trường hợp xin xác nhận cư trú. Ảnh: Hồ Giáp

Bên cạnh đó, việc xin giấy xác nhận cư trú không chỉ mất thời gian cho người dân mà còn cả cán bộ công an khu vực khi phải thực hiện qua nhiều bước và trực tiếp đi xác minh lai lịch người làm.

“Chính phủ và Bộ Công an đặt ra vấn đề là giảm tải thủ tục hành chính, hạn chế thời gian cho bà con để tạo điều kiện thuận lợi nhất. Bản thân tôi nghĩ, giấy xác nhận cư trú chỉ nên làm khi bị mất căn cước công dân. Khi người mất chưa làm lại kịp thì phải cần giấy xác nhận nơi cư trú để đảm bảo tính pháp lý.

Còn hiện nay đã có căn cước công dân và trên đó thể hiện đầy đủ thông tin như nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, nơi ở hiện tại… thì cũng nên hạn chế giấy xác nhận cư trú ở một số thủ tục để đỡ mất thời gian cho người dân. Thủ tục gì cũng yêu cầu xác nhận cư trú thì vô tình việc bỏ sổ hộ khẩu lại gây phiền hà cho người dân", Thiếu tá Minh chia sẻ.

Bỏ sổ hộ khẩu, còn nhiều thủ tục "đòi" xác nhận cư trú

Để tìm hiểu vì sao các giao dịch hành chính hiện nay vẫn cần đến giấy xác nhận cư trú, VietNamNet có mặt tại một phường trên địa bàn TP Hà Nội để ghi nhận thực tế này. 

Tại khu vực một cửa, nữ cán bộ phường cho biết, thời gian gần đây bộ phận này tiếp nhận rất nhiều các thủ tục giấy tờ hộ tịch và hành chính liên quan đến giấy xác nhận cư trú. 

Theo đó, các thủ tục như khai sinh, kết hôn, báo tử, thay đổi hộ tịch... đều là những công việc yêu cầu phải có sổ hộ khẩu. Khi bỏ sổ hộ khẩu thì vai trò của giấy xác nhận cư trú rất quan trọng. 

"Hiện nay cổng dịch vụ công có tích hợp về thông tin cư trú nhưng lại chưa thể hiện cụ thể thời gian công dân đó ở từ thời gian nào đến thời gian nào. Có trường hợp xác minh tình trạng hôn nhân còn yêu cầu theo từng giai đoạn nên vai trò của sổ hộ khẩu giấy vẫn rất quan trọng", nữ cán bộ phường cho biết.

Khi sổ hộ khẩu hết hiệu lực, công dân phải làm việc với công an cấp phường để xin giấy xác nhận cư trú. Sau khi có giấy xác nhận cư trú thì từ đó UBND phường sẽ thực hiện các bước tiếp theo đúng quy định. Việc cấp giấy xác nhận cư trú được quy định rõ tại Thông tư số 55 của Bộ Công an ban hành năm 2021. 

Giấy xác nhận thông tin về cư trú sẽ đề cập các thông tin gồm thời gian, địa điểm và hình thức đăng ký cư trú. Để xin giấy xác nhận này, công dân có thể làm việc trực tiếp tại trụ sở UBND cấp xã, phường, thị trấn.

Thời gian cấp giấy xác nhận thông tin cư trú được thực hiện trong 3 ngày làm việc và việc này thực hiện bằng văn bản giấy hoặc điện tử.  Giấy xác nhận thông tin cư trứ có giá trị trong vòng 30 ngày kể từ ngày cấp với các trường hợp xác nhận thông tin về cư trú.

Buộc người dân ra công an phường xin xác nhận cư trú là 'hành dân'

Đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 - Bộ Công an) cho biết, việc cơ quan chức năng có nhiều cách để xác minh cư trú mà vẫn buộc người dân ra công an phường xin giấy xác nhận cư trú là "hành dân".

Theo đại diện Cục C06, việc xác minh thông tin cư trú của công dân được thực hiện bởi 7 phương thức, việc xin giấy xác nhận cư trú là một trong 7 phương thức được thực hiện.

Trong trường hợp cán bộ tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính ở UBND các cấp hoặc cơ quan chức năng dù có đủ điều kiện nhưng không thực hiện các phương thức khác để chứng minh nơi cư trú mà vẫn buộc dân phải ra công an phường xin giấy xác nhận cư trú là “hành dân”. 

Kỳ 4: Sổ hộ khẩu giấy đã bỏ, việc đọc CCCD gắn chip vẫn chưa đồng bộ