Tuy nhiên, trong khi Quốc hội Mỹ mất tận 13 tháng để thông qua đạo luật trị giá 280 tỷ USD, trong đó có 52 tỷ USD cho ngành chip, thì Trung Quốc đã có những bước nhảy vọt về công nghệ bán dẫn.

Hiện tại, các chuyên gia vẫn phân tích làm thế nào Trung Quốc có thể sản xuất các chất bán dẫn có kích thước siêu nhỏ, mỏng hơn sợi tóc người khoảng 10.000 lần, ngang với các sản phẩm tốt nhất mà Đài Loan (Trung Quốc) cung cấp cho Mỹ. Với việc công nghệ bán dẫn được coi là một thước đo tiềm lực quốc gia, giống với vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, điều này không thể khiến Washington hài lòng.

Cuộc vượt mặt về công nghệ chip bán dẫn

Vẫn chưa có thông tin rõ ràng nào về việc Trung Quốc có thể ứng dụng các đột phá công nghệ bán dẫn trên quy mô lớn hay không, vì đây là một quá trình tốn nhiều thời gian. Nhưng có một sự thật rõ ràng, khi mà Quốc hội Mỹ tốn quá nhiều thời gian để tranh cãi, Bắc Kinh đã vượt mặt Washington về công nghệ chip bán dẫn, pin năng lượng, robot và điện toán lượng tử.

Cựu CEO của Google, Eric Schmidt, hiện điều hành Ủy ban an ninh quốc gia về trí tuệ nhân tạo, đã cảnh báo vào năm 2020 về nguy cơ tụt hậu trong công nghệ "lõi" của Mỹ. Một sự thật khó chấp nhận, nhưng ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ đã khô héo, đến mức không có con chip tiên tiến nhất nào được sản xuất ở nước này, mặc dù công nghệ được phát minh tại đây và mang lại tên tuổi cho thung lũng Silicon.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành ký Đạo luật Khoa học và Chip. Ảnh: Reuters

Tình cảnh này giống với Nhật Bản những năm 1980 đầu 1990, khi các gã khổng lồ công nghệ tại châu Á đã chậm chạp trong việc phát triển công nghệ di động và hệ điều hành máy tính. Nhưng không có nghĩa là Mỹ không thể bắt kịp Trung Quốc, song mọi việc không hề dễ dàng.

Để so sánh, trong số 52 tỷ USD dành cho ngành chip, 39 tỷ USD sẽ được phân bổ cho "các ưu đãi trực tiếp nhằm kích thích sản xuất” để thúc đẩy việc xây dựng và mở rộng các nhà máy sản xuất bán dẫn. Số tiền này sẽ được phân bổ trong 5 năm, với 19 tỷ USD được giải ngân trong năm nay và 5 tỷ USD mỗi năm tới năm 2026. Trong khi đó, Trung Quốc đã dành 150 tỷ USD cho ngành công nghiệp chip và xác định chất bán dẫn là ngành công nghiệp chủ chốt trong kế hoạch kinh tế 5 năm mới nhất. 

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo, 52 tỷ USD trợ cấp liên bang sẽ được hỗ trợ bởi tiền tư nhân và biến thành "hàng trăm tỷ" trong các khoản đầu tư. Phần lớn số tiền này được cho là sẽ tới từ các doanh nghiệp quốc phòng, bởi họ cần những con chip tiên tiến nhất, đồng thời muốn giảm thiểu những rủi ro vào việc phụ thuộc nguồn cung nước ngoài. Đây cũng là điều các nhà lập pháp muốn, bởi các công nghệ hỗ trợ quốc phòng dễ được Quốc hội thông qua hơn.

Tự chủ nguồn cung

Bắc Kinh dường như cũng nhận ra những nguy cơ khi Mỹ quyết định thay đổi, khi Hội đồng xúc tiến thương mại quốc tế và Phòng Thương mại quốc tế Trung Quốc nói rằng, đạo luật mới sẽ "tăng cạnh tranh địa chính trị trong ngành công nghiệp bán dẫn, đồng thời cản trở sự phục hồi kinh tế toàn cầu và sự phát triển của đổi mới công nghệ". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cũng chỉ trích đạo luật Khoa học và Chip là một ví dụ về "sự ép buộc kinh tế" của Mỹ.

Theo thượng nghị sĩ Todd Young, dù các bước tiến của Trung Quốc là không thể xem nhẹ, nhưng không quốc gia nào có thể vượt qua Mỹ "nếu sử dụng tất cả nguồn lực đang có". Một lợi thế khác là Mỹ có các mối quan hệ với nhiều đồng minh trên thế giới, điều này giúp quá trình nghiên cứu công nghệ mới có thể diễn ra nhanh hơn. 

Hình ảnh bên trong nhà máy sản xuất chip bán dẫn của TSMC. Ảnh: Time

Thực tế, việc thông qua đạo luật Khoa học và Chip đánh dấu sự đồng thuận hiếm hoi của lưỡng đảng trong Quốc hội Mỹ, khi các nghị sĩ thuộc cả hai đảng đều đánh giá nó là cần thiết để giúp Mỹ cạnh tranh kinh tế với Trung Quốc cũng như tăng cường an ninh quốc gia.

Nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng chính Trung Quốc là nguyên nhân khiến cho lưỡng đảng trong Quốc hội Mỹ có thể ngưng tranh luận. Việc con chip 7 nanomet được Bắc Kinh tạo ra cho mục đích khai thác tiền điện tử đã khiến Mỹ không thể tiếp tục đứng ngoài cuộc. Ngay cả khi một số thông tin cho rằng, công nghệ này bị đánh cắp từ Đài Loan, nhưng không có nghĩa là Trung Quốc không thể tạo ra những bước đột phá từ việc sao chép. 

Hiện tại, Taiwan Semiconductor vẫn là nhà sản xuất chip bán dẫn lớn nhất trên thế giới, nhưng các nguy cơ bất ổn quanh eo biển Đài Loan khiến cho Mỹ buộc phải lên kế hoạch tự chủ nguồn cung. 

Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer cho rằng đạo luật Khoa học và Chip sẽ hỗ trợ làn sóng tiến bộ khoa học và công nghiệp của Mỹ, tương tự như những gì nước này đạt được sau Thế chiến thứ hai.

“Nhiều kẻ đang muốn chúng ta thua cuộc, hy vọng chúng ta tự dẫm vào chân mình và không thể thích nghi trong thế kỷ 21. Chúng ta sẽ không nhường vai trò dẫn dắt của mình trong thế này”, ông Schumer nói.

Việt Dũng (Theo New York Times)