Giảm bớt lạm phát

Inflation Reduction Act - nếu dịch từng từ thì tên của dự luật là Giảm bớt lạm phát, nhưng thực ra tên gọi đó chỉ là một thủ thuật chính trị của đảng Dân chủ cầm quyền, nhằm lấy lòng cử tri, đang điêu đứng vì lạm phát. 

Tổng thống Mỹ Joe Biden ký luật Giảm lạm phát. Ảnh: fwrdaxis

Nội dung chính của luật này, với ngân sách khổng lồ hàng trăm tỷ USD, lớn hơn rất nhiều, và có khả năng nó sẽ định hình một nước Mỹ mới, tương tự như dự luật New Deal, thời Tổng thống Roosevelt nhằm giải quyết cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu và Mỹ trong những năm 1930.

New Deal đổ ra một ngân khoản khổng lồ tạo dựng cơ sở hạ tầng, góp phần đưa nước Mỹ lên vị trí siêu cường trong Thế chiến thứ hai và sau đó.

Trong Inflation Reduction Act, trong vòng 10 năm sẽ có 370 tỷ USD được bơm vào những kế hoạch chống biến đổi khí hậu, như thay nguồn năng lượng hóa thạch (dầu mỏ, khí đốt, than đá) bằng điện mặt trời, điện gió, sản xuất xe điện, khai thác các kim loại làm bình điện... Dự định rằng nước Mỹ sẽ cắt một lượng lớn khí thải nhà kính, đưa trở về mức năm 2005. Thành công của 370 tỷ USD này sẽ đưa nước Mỹ trở thành lãnh đạo thế giới trong việc chống lại việc trái đất nóng lên do hoạt động kinh tế của con người.

Inflation Reduction Act sẽ giúp đỡ chi phí chăm sóc y tế cho người già và người nghèo ở Mỹ, một nỗi lo kinh hoàng bấy lâu nay. Luật sẽ hạn chế mức tiền cao nhất mà những người này phải đóng hàng năm là 2.000 USD, số tiền trả cho thuốc trị tiểu đường cao nhất là 35 USD/tháng. Luật sẽ tăng một ngân khoản lớn dùng để trợ cấp cho hệ thống chăm sóc y tế giá rẻ, thường được gọi là Obama Care. Nhà nước sẽ thương lượng trực tiếp giá cả của các loại thuốc đặc trị với hãng dược phẩm mà không thông qua các công ty bảo hiểm trung gian, ước mơ lớn bấy lâu nay của giới cấp tiến.

Số tiền dùng cho hai kế hoạch trên được lấy phần lớn từ việc tăng thuế lên các tập đoàn có thu nhập trên 1 tỷ USD/năm, với thuế suất 15%. Những qui định mới của việc tăng thuế tập đoàn này được cho là giảm khoảng cách bất bình đẳng giàu nghèo, dễ bắt quả tang những tay nhà giàu trốn thuế hơn.

Nghẹt thở nội bộ đảng Dân chủ

Đảng Dân chủ hiện nắm cả hai cơ quan hành pháp và lập pháp (lưỡng viện quốc hội), nhưng tại Thượng viện, nơi Inflation Reduction Act được soạn thảo, tỷ lệ hai bên là 50-50, trong đó nếu phe dân chủ đoàn kết toàn bộ 50 thượng nghị sĩ, và phe đối lập cũng đoàn kết, thì bà Phó tổng thống Kalama Harris với vai trò Chủ tịch Thượng viện sẽ làm cán cân nghiêng về đảng Dân chủ.

Báo chí và nền dân chủ Mỹ đang thực sự gặp rắc rốiBáo chí và nền dân chủ Mỹ đang thực sự gặp rắc rốiXem ngay

Nhưng việc đoàn kết 50 thượng nghị sĩ của đảng Dân chủ là không hề dễ dàng.

Trong nhóm này có thượng nghị sĩ Bernie Sanders, vốn là nghị sĩ độc lập từ bang Vermont, nhưng theo cùng phe đảng Dân chủ. Ông có khuynh hướng rất cấp tiến, hay thúc đẩy những quan điểm có thể nói là khuynh tả như sức khỏe là một quyền chứ không phải là sự ưu đãi, bãi bỏ học phí các đại học công lập…

Nhưng đảng Dân chủ cũng có các thượng nghị sĩ ở về phía đối nghịch với ông Sanders như ông Joseph Manchin III của bang West Virginia, bà Kyrsten Sinema của bang Arizona.

Với cơ cấu dân chủ đại diện, mỗi tiểu bang của Mỹ có 2 thượng nghị sĩ, thường đại diện cho quyền lợi, văn hóa của dân chúng tại các tiểu bang đó. Nếu họ làm trái thì sẽ không được bầu lên.

Nước Mỹ rộng lớn và đa dạng, thành ra có một điều dễ hiểu là các quyền lợi, các tính cách văn hóa này khác nhau rất xa. Một nơi như California với các đại công ty trí tuệ nhất hành tinh không giống chút nào với Kentucky chuyên nuôi gà.

Với sự chắc chắn rằng toàn bộ 50 thượng nghị sĩ của đảng Cộng hòa không chấp nhận Inflation Reduction Act, phe Dân chủ phải bảo đảm rằng 50 người của phe ta cũng phải đoàn kết, và ủng hộ Inflation Reduction Act.

Thế nhưng những biện pháp mạnh chống biến đổi khí hậu của Inflation Reduction Act, như bỏ việc tiêu thụ năng lượng hóa thạch, lại đụng chạm đến bang West Virginia chuyên khai thác than và đá phiến dầu của ông Manchin. Ông này cũng là người làm giàu nhờ bán than đá. Quyền lợi của dân West Virginia và các hãng than, dầu, đứng sau lưng ông Manchin, gắn chặt với nhau.

Cuối tháng 7, Inflation Reduction Act bị xem là đã chết, vì ông Manchin một mực chống đối.

Thế là vị thủ lĩnh phe đa số của Thượng viện, ông Chuck Schumer, đại diện bang New York liên tục gặp ông Manchin để thương lượng.

Thương lượng may mắn

Có thể có một may mắn trong cuộc thương lượng này: ông Schumer là một người trung dung và cũng nhận tiền tài trợ của một số hãng năng lượng, do đó dễ tìm tiếng nói chung với ông Manchin.

Cuối cùng, ông Manchin đồng ý ủng hộ Inflation Reduction Act. Đổi lại, dự luật này duy trì sự hoạt động của các hãng năng lượng dựa trên nhiên liệu hóa thạch, trong đó có dự án đường ống dẫn khí đốt của West Virginia, dự án cải tiến kỹ thuật đốt than, cho phép khoan dầu nhiều hơn… Đây được xem là một giai đoạn trung gian cho nước Mỹ tiến tới kỹ nghệ năng lượng sạch. Rõ ràng đây là một điều rất thực tế mà phái cấp tiến của đảng Dân chủ, vì sự sốt ruột tiến tới năng lượng sạch mà bỏ qua.

Inflation Reduction Act cũng bao gồm một khoản tiền giúp đỡ những người thợ mỏ ở West Virginia bị bệnh nám phổi.

Sự duy trì năng lượng hóa thạch lại càng có ý nghĩa lớn hơn trong tình hình xung đột tại Ukraine hiện nay với sự cấm vận của phương Tây đối với dầu mỏ từ Nga. Tây Âu sẽ được tiếp sức từ các nguồn dầu, khí đốt từ Mỹ, dần dần tìm cách thoát khỏi sự phụ thuộc năng lượng vào nước Nga. Inflation Reduction Act được thông qua trong khi giá xăng dầu ở Mỹ giảm liên tục hơn 1 tháng.

Sau ông Manchin, đảng Dân chủ phải tiếp tục thuyết phục bà Sinema. Bà này không có quyền lợi mỏ than, nhưng lại có quan điểm ủng hộ thuế thấp cho các doanh nghiệp. Vì lý do này, nhiều người cấp tiến cho rằng bà Sinema khuynh hữu, chống cấp tiến. Thực ra, bà là một trong những người đồng tính đầu tiên có mặt ở quốc hội Mỹ, bà khó mà thuộc cánh hữu, ít nhất về mặt xã hội.

Cuối cùng, bà Sinema ủng hộ Inflation Reduction Act, đổi lại bà giành được một món tiền chống hạn hán cho bang nhà Arizona, và ân giảm về thuế cho những công ty đầu tư mạo hiểm.

Đảng Cộng hòa và cuộc tấn công vote-a-rama

Khi đảng Dân chủ vượt qua được sự tranh cãi nội bộ về quan điểm và quyền lợi thì cản trở sau cùng là nỗ lực chống lại cuộc tấn công gọi là vote-a-rama từ đảng Cộng hòa. Theo luật định, ở Thượng viện, có thể giành thắng lợi với một đa số đơn giản, chứ không cần 60% thượng nghị sĩ ủng hộ. Vote-a-rama kéo dài 16 tiếng đồng hồ, trong đó các thượng nghị sĩ Cộng hòa hoạnh họe đủ thứ để làm cho các vị Dân chủ nao núng bỏ hàng ngũ.

Inflation Reduction Act vượt qua 16 tiếng đồng hồ vote-a-rama, sẽ trở thành luật, và dĩ nhiên thành tiền đầu tư cho tương lai nước Mỹ.

Đảng Dân chủ cũng phải nhân nhượng một số điểm nhỏ như chi phí thấp 35 USD hàng tháng cho người bị tiểu đường là không bắt buộc đối với các hãng bảo hiểm tư nhân.

Cơ chế dân chủ là gì?

Trong gần 2 năm tranh cãi, nhóm cấp tiến của đảng Dân chủ có lẽ cũng bớt sốt ruột hơn, hài lòng với những gì đạt được, như Tổng thống Biden tuyên bố sau khi trận tấn công vote-a-rama chấm dứt: Điều quan trọng là cái chúng ta có trong luật, chứ không phải cái chúng ta không có trong đó.

Một nhà bình luận trên New York Times viết rằng đảng Dân chủ đã cứu nhân loại.

Có thể nhà bình luận này nói hơi quá, và Inflation Reduction Act còn cần thời gian để xem nó thực sự đem lại điều gì cho nước Mỹ nói riêng, trái đất nói chung. Nhưng, sự tranh cãi rất lộn xộn và mệt mỏi của quốc hội Mỹ và nội bộ đảng Dân chủ đạt được điều mà một nghị sĩ Dân chủ nói là: Chúng ta đã dàn xếp những sự khác biệt rất lớn lao, từ Bernie Sanders cho đến Joseph Manchin.

Joaquin Nguyễn Hòa (từ San Francisco)