Tại Hội nghị trực tuyến do Bộ Y tế tổ chức sáng 21/8, ông Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), chia sẻ nhiều khó khăn trong đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư, hoá chất.

Bác sĩ Thức kiến nghị giá mua sắm không nên là “giá thấp nhất”, cần quy định rõ là giá “hợp lý nhất” dựa trên nhu cầu điều trị thực tế của từng cơ sở y tế, chuyên khoa, hạng bệnh viện. 

Ông cũng kiến nghị quy định rõ các bước, các hội đồng có thẩm quyền xác định nhu cầu điều trị thực tế là phù hợp.

Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đề cập đến những khó khăn, thực tiễn đang xảy ra tại các bệnh viện, các cơ sở y tế. Ảnh: VGP

Vị bác sĩ cho hay thực tế hoạt động cho thấy, các hàng hoá phục vụ cho công tác điều trị bệnh nhân rất đa dạng về chủng loại, xuất xứ, chất lượng và kèm theo đó là giá cả sẽ tương đương. Do đó, nếu chỉ cho phép chọn giá rẻ nhất khi mua sắm sẽ khó có hàng hoá tốt, phù hợp với mô hình, tính chất bệnh tật của từng bệnh viện để phục vụ người bệnh.

“Trưởng khoa Ngoại bức xúc gặp tôi hỏi tại sao ông mua dao mổ giá rẻ? Trước đây, chúng ta dùng dao giá tốt chỉ cần rạch 1 đường, hiện trúng thầu dao giá rẻ, chúng tôi phải rạch đến 3 lần da mới đứt”, ông Thức chia sẻ nỗi bức xúc của các bác sĩ tại viện này. 

Một kiến nghị đáng chú ý khác của Bệnh viện Chợ Rẫy là quy định chi tiết như thế nào là “tình huống cấp bách trong y khoa”, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mạng người bệnh. Từ đó, cho phép các cơ sở y tế được chỉ định thầu theo luật định để kịp thời có thuốc phục vụ người bệnh. Bên cạnh đó, cũng quy định rõ tổ chức nào trong cơ sở y tế được thẩm quyền xác định tình huống cấp bách, để tránh lạm dụng chỉ định thầu và đồng thời bảo vệ cho cán bộ lãnh đạo quản lý.

Các bác sĩ gặp khó khăn khi thiếu các trang thiết bị phù hợp. Ảnh minh họa: Hoàng Hà

Vướng mắc trong thủ tục, bệnh viện muốn sửa máy móc cũng khó

Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, hiện tại vẫn chưa có văn bản hướng dẫn quy định về xây dựng tiêu chí kỹ thuật trong đấu thầu dịch vụ sửa chữa, bảo trì trang thiết bị y tế.

Về đặc thù trang thiết bị y tế kỹ thuật cao như thiết bị chẩn đoán điều trị chuyên sâu bệnh lý ung thư: như PET-CT, PET-MRI, hệ thống xạ trị, CT Scanner là các thiết bị chuyên sâu kỹ thuật cao, có rất ít nhà cung cấp và phân phối ở Việt Nam nên việc tham chiếu giá để xây dựng kế hoạch đấu thầu sửa chữa bảo trì ở các bệnh viện rất khó khăn.

“Việc xác định cơ cấu giá dịch vụ sửa chữa còn mập mờ, tham khảo giá trên cổng thông tin thì giá dịch vụ không thống nhất, cũng như trong gói sửa chữa được đăng tải cũng không đầy đủ”, vị giám đốc nêu. Mặt khác, việc thu thập báo giá cũng không thực hiện được. Bệnh viện trên 3 lần đăng thông tin mời chào giá nhưng cũng chỉ nhận được 1 thư chào, dẫn đến bệnh viện không đủ cơ sở để xây dựng giá gói thầu.

Ngoài ra, đặc thù vật tư linh kiện thay thế phải cùng chủng loại, tương thích với hệ thống với trang thiết bị y tế như đầu đèn CT, ống nội soi… nên bệnh viện khó khăn trong xây dựng yêu cầu kỹ thuật.

“Nếu ghi cụ thể loại trang thiết bị thì vi phạm tiêu chí kỹ thuật mời thầu theo định hướng chỉ định thầu. Nếu không ghi rõ tên trang thiết bị thì đấu thầu xong linh kiện không tương thích cũng không sử dụng được”, bác sĩ Thức chia sẻ vòng luẩn quẩn khó khăn.

Do đó, ông đề nghị cơ quan chức năng xem xét bổ sung văn bản về công tác đấu thầu cho phép được mời thầu đúng chủng loại vật tư y tế cần sửa chữa thay thế, như vậy mới đảm bảo được tính tương thích với hệ thống. 

Ngay sau khi bác sĩ Thức đề xuất nhiều vấn đề nóng từ thực tiễn cơ sở, Quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho rằng đây là “tiếng nói của nhiều bệnh viện”.

GS.TS Lê Quang Cường, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Y khoa Quốc gia, đánh giá lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy đã có những ví dụ minh chứng khó khăn của ngành y tế. Trước mắt, ngành y tế cần giải quyết ngay vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị.

Ông cũng lưu ý vấn đề tự chủ bệnh viện thời gian vừa qua có một số sai sót. Tự chủ bệnh viện là cần thiết nhưng phải có chế tài quy định. “Đừng nghĩ rằng tự chủ là khoán hết cho anh em mà tự chủ là tận dụng tối đa năng lực của bệnh viện”, GS Cường nói.

GS Cường lấy ví dụ của Bệnh viện Chợ Rẫy, dù đã rất cố gắng nhưng "làm cái gì cũng vướng", cần có những quy định để phát huy thế mạnh của bệnh viện.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cũng đồng tình với những đề xuất của Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy. 
Về đề xuất xin bỏ tự chủ toàn diện của Bệnh viện Bạch Mai, ông Phớc đề nghị Bộ Y tế đánh giá lại việc thực hiện cơ chế này tại các bệnh viện công.

Theo ông Phớc, y bác sĩ giỏi ở Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K... là xương sống của ngành y tế, nếu để các bác sĩ ở đây đi ra hệ thống tư nhân, trụ cột an sinh xã hội sẽ bị ảnh hưởng.

"Hiện nay, chi phí giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng tính đủ, nghĩa là một số mức thu chi chưa được đưa vào. Vậy việc tự chủ có ảnh hưởng tới các bệnh viện không? Phải xây dựng lại định mức, đơn giá... Đây là trách nhiệm của Bộ Y tế", ông Phớc nói.

Bộ trưởng Tài chính cho rằng những việc trên cần làm sớm vì hiện nay Bộ này đang lập ngân sách cho năm 2023 để tháng 10 trình Quốc hội. Khi đó, nếu vấn đề này không nằm trong dự toán ngân sách thì phải đến năm 2026 mới có thể bàn lại.