Tại Tọa đàm Các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, sáng 12/8, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - bệnh viện tuyến đầu cả nước, chia sẻ khó khăn tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế.

“Đây là vấn đề hết sức nóng, không chỉ riêng của Bệnh viện Bạch Mai mà của cả ngành y tế”, PGS.TS Đào Xuân Cơ nói.

PGS.TS Cơ phân tích có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng này. Cụ thể, sau dịch Covid-19, chúng ta kiểm soát tốt dịch bệnh, sang quý II năm 2022, số lượng bệnh nhân tăng đột biến. Hầu hết các chuyên khoa đều tăng, có chuyên khoa tăng 5 lần làm cho áp lực thiếu trang thiết bị, vật tư thiếu thuốc có từ trước nay càng trầm trọng hơn.

PGS.TS Cơ nói thêm: “Tại Bệnh viện Bạch Mai, tôi là cán bộ mới được bổ nhiệm, từ 2020 đội ngũ cán bộ hoàn toàn mới. Khi chúng tôi tiếp quản, sau 2 năm chống dịch Covid-19, nguồn lực thuốc, trang thiết bị tại viện đều thiếu trầm trọng. Cán bộ y tế Bạch Mai có mặt trên các trận tuyến chống dịch, khi quay trở về điều trị chữa bệnh tại bệnh viện, chúng tôi có những nguyên nhân khách quan chủ quan dẫn đến thiếu trang thiết bị y tế”.

PGS.TS Đào Xuân Cơ. Ảnh: VGP

Cũng theo PGS.TS Cơ, là bệnh viện lớn, 10 năm qua Bạch Mai chủ trương xã hội hóa, hiện nhiều thiết bị y tế máy đặt, máy mượn, liên doanh… dừng hoạt động vì phát hiện một số thiết bị không đáp ứng đủ điều kiện.

Một số thiết bị hiện đại (máy chụp chiếu, cộng hưởng từ, máy kĩ thuật cao, robot) vướng vào quy định pháp lý cũng phải đắp chiếu, không thể phục vụ cho bệnh nhân BHYT mà đối tượng này chiếm đến 90% tại Bệnh viện Bạch Mai.

Bệnh viện Bạch Mai cũng đã có văn bản, báo cáo làm sao tháo gỡ vướng mắc này cùng chung tay đưa các thiết bị y tế đang đắp chiếu sớm phục vụ người bệnh. BHXH Việt Nam cũng đang có các giải pháp đưa thiết bị này vào hoạt động trở lại.

Thứ 2, hiện số lượng bệnh nhân tăng đột biến làm thiếu thuốc, vật tư không chỉ Bệnh viện Bạch Mai mà nhiều viện cũng như vậy. Hiện tại nhiều vật tư tiêu hao trúng thầu nhưng các đơn vị cung cấp không cung cấp được. Các công ty chào thầu không chào thầu, do hơn 2 năm chống dịch, nhiều công ty có sản phẩm thông dụng, nhiều công ty phá sản nên không thể cung ứng, chào thầu. Các mặt hàng này so với giá đã trúng thầu các năm qua đã tăng nhiều, các công ty báo không thể chào thầu do e ngại bị lỗ. 

Ngoài ra còn nguyên nhân chủ quan khác, PGS.TS Đào Xuân Cơ phân tích liên quan đến văn bản mua sắm thiết bị y tế. “Hiện một số văn bản, nghị định không còn cập nhật gây khó khăn liên quan mua sắm đấu thầu, thuốc vật tư”, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai thông tin.

Về ý kiến các Giám đốc bệnh viện, sở y tế… có tâm lý e ngại việc mua sắm, đấu thầu, PGS.TS Cơ cho rằng: “Nếu văn bản pháp quy rõ ràng, tạo điều kiện cho việc mua sắm minh bạch, công khai chắc chắn các nhà quản lý, giám đốc bệnh viện… không khó khăn trong việc mua sắm vật tư y tế. Sắp tới, các văn bản pháp quy được sửa sẽ không còn sự e dè nào”.

Người đứng đầu Bệnh viện Bạch Mai phân tích thêm, văn bản pháp quy ảnh hưởng sâu sắc tới cơ sở. Khi cơ sở thực hiện phải bám vào văn bản pháp quy. Các cơ quan hậu kiểm cũng chỉ căn cứ vào văn bản pháp quy để kiểm tra.

“Đó là nguyên nhân gây e ngại cho cơ sở chứ không phải các cơ sở e ngại việc mua sắm thuốc, thiết bị y tế. Tôi đề nghị sớm sửa văn bản mang tính cứng nhắc sẽ khiến người đứng đầu các cơ sở tự tin làm các bài thầu”, PGS.TS này khẳng định.

PGS.TS Cơ cũng đưa ra ví dụ Bệnh viện Bạch Mai quyết liệt chuẩn bị trong mua sắm thuốc, vật tư cho người bệnh. Riêng thuốc chỉ thiếu 5-10% do nguyên nhân khách quan như các nhà cung ứng không có. Còn hầu hết các thuốc thiết yếu cơ bản đều đáp ứng dù số bệnh nhân tăng đột biến.

“Tình trạng thiếu thuốc ở Bệnh viện Bạch Mai không trầm trọng do chúng tôi có các giải pháp như liên hệ với các viện xung quanh Hà Nội và viện khác để trao đổi, chia sẻ thuốc". 

Liên quan vấn đề này, TS Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII, cũng cho rằng an sinh xã hội là một trong 3 trụ cột phát triển đất nước. Nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, yếu tố sức khỏe là số một. Thiếu thuốc là vấn đề khá lớn hiện nay, không chỉ riêng Bệnh viện Bạch Mai mà còn ở 28 bệnh viện, 12 sở y tế.

“Chúng ta không có đủ thuốc là vấn đề của cả xã hội chứ không chỉ riêng ngành y. Giai đoạn vừa rồi có 1 số vấn đề trong ngành y chúng ta nên gỡ dần, kiến nghị Chính phủ xem chính sách có gì vướng cần rà soát, sửa đổi, đặc biệt văn bản đấu thầu”, TS An nói.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Thị Hồng Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia, Bộ Y tế, nhấn mạnh thiếu thuốc, vật tư y tế không phải vấn đề mới có mà rất lâu rồi nhưng tình trạng thiếu ở mức độ nào, thiếu ra sao. Cũng theo TS Ngọc, vừa qua Bộ Y tế đã quyết định lập 4 đoàn đi kiểm tra vấn đề thiếu thuốc, vật tư ở cơ sở y tế.

“Chúng ta cần số liệu, khảo sát rõ ràng mới có giải pháp khắc phục. Ở nguyên nhân liên quan pháp lý, theo ý kiến cá nhân của tôi, hầu như 90% văn bản pháp lý không theo kịp được thực tế. Đây cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến nguyên nhân thiếu thuốc, vật tư y tế”, TS Ngọc nói.

Ngoài ra, quá trình thực thi, các đơn vị, cá nhân thực thi như thế nào cũng góp phần thiếu thuốc, trang thiết bị y tế. TS Ngọc cũng nêu: “Có những danh mục thuốc thừa. Chúng tôi cũng có yêu cầu khi lập kế hoạch đấu thầu phải dùng 80% nhưng có những thuốc nhu cầu sử dụng chỉ 20%. Như vậy không phải thiếu thuốc ở tất cả các loại, các đơn vị”.

Từ đó, TS Ngọc cho rằng, cần dựa vào kết quả của 4 đoàn kiểm tra do Bộ Y tế lập để có đánh giá, giải pháp góp phần khắc phục tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị vật tư y tế.

“Tình trạng này cũng xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới. Hiện các văn bản đưa vào đấu thầu cũng đã có cập nhật nhưng chưa đuổi kịp các yếu tố xã hội nên cần sửa đổi kịp thời tạo điều kiện cho các đơn vị mua sắm, đấu thầu”.