Người lao động lách luật để hưởng chế độ trợ cấp thôi việc khiến doanh nghiệp khốn đốn trong việc tìm nguồn tài chính chi trả.
“Tôi bị thiếu máu cơ tim, tiểu đường và cao huyết áp. Xét thấy không còn đủ sức khỏe để tiếp tục làm việc nên ngày 12-2, tôi nộp đơn xin nghỉ việc kể từ ngày 1-4. Thế nhưng, hết hạn báo trước 45 ngày, thay vì trao quyết định thôi việc, ông V.X.H, tổng giám đốc công ty, lại ra quyết định cho tôi “nghỉ chữa bệnh có hưởng lương”. Do quyết định này không đúng với nguyện vọng nên tôi không nhận”. Đây là trình bày của ông Huỳnh Văn Đức, nhân viên bảo vệ của một công ty cổ phần ở quận Gò Vấp, TP HCM.
Doanh nghiệp càng đông lao động càng khốn đốn trước chuyện công nhân đua nhau nghỉ việc để hưởng trợ cấp thôi việc |
Tính kế hoãn binh
Ông Đức ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn với công ty từ năm 1992. Sau khi ông nộp đơn thôi việc, tổng giám đốc bút phê: “Chưa giải quyết đơn, qua Tết Nguyên đán bắt đầu xem xét lại”.
Không đồng ý, ông Đức gửi đơn đề nghị công ty giải quyết đơn xin thôi việc của mình nhưng đều bị từ chối. Ngày 31-3, xét thấy đã tuân thủ thời gian báo trước 45 ngày, ông Đức thông báo sẽ chính thức nghỉ việc từ ngày 1-4.
Sau khi nhận được thông báo, chiều 31-3, công ty tổ chức họp và vẫn kiên quyết không cho ông Đức thôi việc “vì công ty đang thiếu người và chuẩn bị chuyển văn phòng”. Thay vào đó, công ty sẽ bố trí thời gian thuận tiện hơn để không ảnh hưởng đến sức khỏe của ông. Khi công ty chuyển xong văn phòng, nếu ông Đức vẫn muốn nghỉ thì sẽ giải quyết. Ông Đức vẫn không đồng ý. Ngày 1-4, tổng giám đốc ra quyết định cho ông nghỉ chữa bệnh có hưởng lương từ ngày 1-4 đến 1-10.
“Công ty nói thiếu người nhưng lại hào phóng cho tôi nghỉ chữa bệnh tới nửa năm! Tôi sinh năm 1955, đến tháng 10-2015 là đủ tuổi nghỉ hưu, rõ ràng công ty kiếm cớ kéo dài thời gian đến tháng 10 để khỏi phải trả khoản trợ cấp thôi việc (TCTV) cho tôi” - ông Đức bức xúc.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện công ty thừa nhận từ tháng 7-2014 đến nay, công ty gặp khó khăn dẫn đến nợ lương người lao động (NLĐ). Đã vậy, một số nhân viên gần đến tuổi hưu lại xin nghỉ việc khiến công ty càng khó khăn hơn khi phải lo một khoản chi phí không nhỏ để trả TCTV. Dù vậy, công ty cũng hứa hẹn sẽ sớm giải quyết chế độ thôi việc cho ông Đức.
Doanh nghiệp “đuối” vì trợ cấp thôi việc
Theo quy định, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả TCTV cho NLĐ khi chấm dứt HĐLĐ đúng luật. Tuy nhiên, quyền lợi này sẽ không được tính khi NLĐ đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí. Chính vì vậy, tình trạng nhiều NLĐ xin nghỉ việc khi đã đủ thời gian đóng BHXH để hưởng chế độ hưu nhưng chưa đủ tuổi để vừa được nhận TCTV vừa được nhận trợ cấp thất nghiệp, sau đó vẫn được hưởng hưu trí đang xảy ra. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đông lao động, gặp khó khăn và buộc phải nghĩ kế hoãn binh.
Cách đây ít lâu, chị Nguyễn Thị Phượng, công nhân Công ty Dệt may P.P (quận Bình Thạnh, TP HCM), đã gửi đơn khiếu nại đến Báo Người Lao Động vì nghỉ việc hơn 3 tháng nhưng không được thanh toán TCTV. Chị Phượng xin thôi việc để chăm sóc mẹ già bị tai biến. “Khi tôi nộp đơn, công ty nói phải có giấy xác nhận của địa phương. Tôi về xin giấy xác nhận nộp nhưng công ty vẫn không giải quyết nên đã nghỉ việc sau 45 ngày báo trước. Sau đó, tôi đến công ty đề nghị giải quyết chế độ thì được báo hồ sơ bị thất lạc. Tuy nhiên, kể cả sau khi tôi tìm được giấy tờ bổ sung thì vẫn không được giải quyết” - chị Phượng kể.
Làm việc với chúng tôi, ông H.T.M, trưởng phòng tổ chức, cho biết mấy năm gần đây, ở công ty có trào lưu các công nhân làm việc lâu năm rủ nhau nghỉ việc. Điều này khiến công ty không chỉ thiếu hụt lao động dày dạn kinh nghiệm mà còn khốn đốn khi phải lo khoản tiền khá lớn để trả TCTV. Ông M. dẫn chứng năm 2012, công ty đã chi hơn 685 triệu đồng để trả TCTV cho 58 lao động; năm 2013 chi gần 815 triệu đồng (77 trường hợp) và năm 2014 chi 621 triệu đồng (54 trường hợp).
(Theo NLĐ)