Tôi rất đồng tình với quan điểm của bài viết “Trả lại quyền tư do kinh doanh cho người dân” của TS Nguyễn Đình Cung trên Diễn đàn Vì Việt Nam hùng cường. Nhân cơ hội này, tôi xin góp ý thêm cho bài viết.

Ở những nước phát triển, các nền kinh tế lớn trên thế giới, các doanh nghiệp đều được ưu tiên tạo thuận lợi từ Chính phủ để phát triển và đóng góp đáng kể cho nguồn thu ngân sách. Nhật Bản đã hình thành các tập đoàn toàn cầu như Sony, Canon, Honda, Toyota, Mitsubishi, Hitachi, Nissan Motor, Sumitomo Mitsui Banking Corp; Hàn Quốc có Samsung, Hyundai, Kia Motor, GL, Posco, Shinhan, Financial Group… Những tập đoàn này đã góp phần đáng kể làm cho dân giàu, mước mạnh, trở thành tổ chức lớn tích cực giúp thay đổi hẳn đất nước trên vũ đài kinh tế thế giới. 

Thu ngân sách nhà nước nhiều năm nay thường vượt cao so với kế hoạch. Đây là tín hiệu vui cho nền kinh tế. Song, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng nguồn thu ngân sách có thể tăng cao hơn nếu các cơ quan chức năng kịp thời tháo gỡ các trở ngại chính sách trong hoạt động đầu tư, cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh để các doanh nghiệp phát triển ổn định, phát huy hết nội lực trong dân.

{keywords}
Doanh nghiệp Việt Nam cũng có mong muốn, có khát khao sẽ lớn mạnh thành những tập đoàn hàng đầu trên thế giới. Ảnh: T.Tùng

Đối thoại với doanh nghiệp ngày 23-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: "Tôi nhận được nhiều tin nhắn nói cấp chuyên viên nhũng nhiễu lắm, chậm trễ lắm, cứ đá qua đá lại hoài. Các bộ trưởng, chủ tịch tỉnh phải kiểm soát việc này. Phải chấm dứt tình trạng cơ quan công quyền hù dọa doanh nghiệp và loại bỏ những cán bộ nhũng nhiễu, gây phiền hà làm mất thời gian và cơ hội đầu tư của doanh nghiệp". Theo đó, Thủ tướng yêu cầu việc giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp phải nằm trong đầu, sổ tay hành động của chính quyền, tránh bệnh thờ ơ trong phát triển doanh nghiệp.

Nhũng nhiễu doanh nghiệp đã trở thành vấn nạn được phản ánh nhiều, không còn là chuyện mới, nhưng lần này được Thủ tướng gọi tên chỉ rõ ra và yêu cầu dẹp bỏ. Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo tháo gỡ trở ngại cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho người dân làm ăn phát triển. Tuy nhiên, còn nhiều chính sách và chỉ đạo điều hành ở một số nơi khác chưa tích cực hướng đến lợi ích số đông. 

Mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phát hiện điểm nghẽn cơ chế chính sách với 20 điểm chồng chéo ở các luật liên quan đến thủ tục đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đấu thầu, nhà ở... Theo VCCI "Nếu được tháo gỡ sẽ tạo động lực mới, đưa nhanh nguồn vốn đầu tư của xã hội vào sản xuất kinh doanh, góp phần tăng trưởng kinh tế những năm tới không chỉ 7%, mà có thể 8-9%".

Doanh nghiệp bị nhũng nhiễu nếu không “biết điều” có thể dẫn tới ách tắc hồ sơ, chậm hoàn tất các thủ tục, đánh mất cơ hội đầu tư kinh doanh. Nhưng các điểm nghẽn về cơ chế và chính sách cũng là rào cản quá lớn khi triển khai các dự án hay thực hiện công việc thường dẫn tới thời gian đầu tư kéo dài nhiều năm, chậm trễ hoàn thành mục tiêu làm vuột mất cơ hội thị trường, thậm chí có khi đẩy doanh nghiệp rơi vào tình trạng phá sản. Nếu các điểm nghẽn này được tháo gỡ, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trôi chảy, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho xã hội.

Nước ta có nhu cầu chi tiêu ngày càng lớn, trong đó có các công việc cấp bách phải được thực hiện ngay để không ảnh hưởng đến quốc kế dân sinh, đòi hỏi nguồn vốn.

Nếu huy động vốn qua các kênh phát hành trái phiếu có thể giải quyết nhu cầu trước mắt nhưng đó lại là con dao hai lưỡi vì cũng phải đi vay và trả lãi suất khá cao, sử dụng kém hiệu quả không sinh lợi chắc hẳn sẽ trở thành gánh nặng cho ngân sách. Đi vay thì rủi ro càng cao, nước ta đã thoát nghèo không dễ tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi như trước đây. Hơn nữa, nợ công còn khá cao, tổ chức cho vay cũng dè dặt.  

Giải pháp bền vững nhất cho ngân sách quốc gia, cũng như cho từng tỉnh thành trong nước c là nuôi dưỡng nguồn thu bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong các hoạt động kinh doanh sản xuất và người dân làm ăn phát triển. Từ đó, mỗi cá nhân chủ động sáng tạo, tự lập không bị ràng buộc, sẵn sàng mạo hiểm với ý chí lớn giúp biến đổi xã hội.

Thế nên, mọi cơ chế và chính sách ở nước ta phải thông thoáng và minh bạch, tránh chồng chéo, không mơ hồ, chỉ một cách hiểu, chỉ một cách lý giải để từ người dân và doanh nghiệp yên tâm làm ăn và công chức nhà nước tránh được nhũng nhiễu, lạm quyền.

Nước ta giờ đã hội nhập sâu vào sân chơi toàn cầu hóa, chưa khi nào khát vọng làm giàu trong nhân dân lên cao như giai đoạn hiện nay, cái cần lớn nhất chính là tạo động lực cho từng cá nhân và doanh nghiệp khởi nghiệp, sẵn sàng bỏ vốn và trí tuệ ra làm giàu. Cơ chế thuận lợi, chính sách thông thoáng hơn là sự ưu đãi sẽ giúp người dân tự tin trong khởi nghiệp, đầu tư, kinh doanh. Lúc đó, không còn tâm lý ngại ngần, có tiền không dám đầu tư, có ý tưởng không dám thực hiện.

Bên cạnh đó, hãy dẹp bỏ cho bằng được vấn nạn nhũng nhiễu doanh nghiệp, người dân không chỉ trông chờ vào sự thay đổi nhận thức của đội ngũ cán bộ mà phải nghiêm khắc xử lý những cán bộ vi phạm. Bên cạnh tăng lương, cải thiện đời sống cán bộ, cần có cơ chế cho doanh nghiệp và người dân giám sát chấm điểm cán bộ gắn với trách nhiệm công việc.

Cải cách cơ chế, tạo chính sách thông thoáng, dẹp bỏ vấn nạn nhũng nhiễu doanh nghiệp và người dân chính là giải pháp căn cơ nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách bền vững. Đó cũng là mũi chủ công giúp phát huy nội lực tạo ra các bước phát triển mạnh mẽ hơn để đưa đất nước trở thành hùng cường và thịnh vượng như mục tiêu của Chính phủ.

Doanh nghiệp Việt Nam cũng có mong muốn, có khát khao sẽ lớn mạnh thành những tập đoàn hàng đầu trên thế giới như của Nhật Bản và Hàn Quốc kể trên.

Trần Văn Trãi - Giám đốc Công ty Tư vấn và Quản lý Trung Đông Hưng, TP.HCM