Những gương mặt âu lo vẫn hiện hữu vì chưa "giải cứu" được xế hộp. Những con ngách nhỏ vẫn còn tiếng í ới hỏi thăm "nhà anh, chị dọn xong chưa", những tiếng ga mãi, đạp uỳnh uỵch xe máy không chịu nổ. Và rất nhiều đồ điện, bàn, ghế, tủ gỗ, quần áo... ngâm trong nước đã không thể cứu vãn. Đau xót hơn đã có 4 gia đình mất người thân vĩnh viễn...

Đêm kinh hoàng

Trước cơn mưa bất thường kéo dài từ 15h chiều 14/10 đến 3h sáng 15/10, thời tiết TP Đà Nẵng lúc mưa, lúc tạnh. Trẻ vẫn đến trường, mọi sinh hoạt diễn ra bình thường không trong vùng cảnh báo nào. Chính quyền TP dường như cũng không nghĩ mưa lại gây hậu quả khủng khiếp như đã xảy ra.

Mưa dội rầm rầm như thác đổ bắt đầu từ 17h chiều 14/10. Chỉ sau đó 2 tiếng, không ít con đường ngập nặng, nước tràn vào nhà dân ở vùng thấp, trũng.

Đường phố Đà Nẵng ngập sâu tối 14/10

Đây là lần thứ hai nước tràn vào nhà chị Hương. Chị và các con nghĩ, chắc nước tràn vào nhà chỉ giống như năm 2018, khoảng 30 phân thôi, nên chỉ di chuyển những đồ đạc sinh hoạt cần thiết. Cho đến khi nước dâng 40, 50 phân - ngập qua đầu gối - sự hoang mang mới bắt đầu. Trên mạng, người dân một số khu vực Mẹ Suốt, Trưng Nữ Vương...bắt đầu kêu cứu. Lực lượng cứu hộ căn cứ đường dây nóng báo tin, tung lực lượng giải cứu người dân bằng mọi giải pháp trong đêm...

Nước dâng gần 1m, mẹ con chị Hương chỉ biết nhìn đồ đạc trôi lềnh bềnh rồi ngâm trong nước xót xa. Hàng xóm, nhà nào nhà nấy di cư lên cao nhìn nước chảy xiết và thở dài.

Đến sáng 15/10, Thành uỷ Đà Nẵng tổ chức cuộc họp ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 5, mưa lũ tại địa phương. Đại tá Phan Văn Dũng, Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng thông tin, đã có 4 người tử vong do mưa lũ tối 14/10.

Nhiều tuyến đường, khu dân cư ở Đà Nẵng nước lụt đã rút, nhưng mặt đường ngập ngụa bùn đất. Rác thải ngập ngụa các con ngõ, nhà dân. Tại quận Cẩm Lệ với 6/6 phường ngập từ 0,6-1,5m, có nơi trên 2m. Quận Liên Chiểu có nơi ngập cao gần 2m. Huyện Hoà Vang ngập các tuyến đường liên xã, liên huyện.

Lực lượng chức năng ứng cứu người dân ở khu vực ngập sâu. Ảnh: O.X

Hàng trăm ô tô chết máy nằm la liệt trên đường phố ở Đà Nẵng sau mưa lụt, xe cứu hộ liên tục được huy động để đưa ô tô đến gara gây quá tải.

Một số chuyên gia đặt tên cho cơn mưa là "mưa dị thường" chưa từng thấy trong lịch sử. Mưa lớn đã làm ngập sâu trên diện rộng ở nhiều khu vực của TP Đà Nẵng, đặc biệt là các quận/huyện: Hòa Vang, Liên Chiểu, Thanh Khê, Hải Châu, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn.

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng dự báo thời tiết Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đã chỉ ra 5 nguyên nhân khiến mưa lũ lịch sử nhấn chìm hàng trăm nhà dân ở Đà Nẵng...

Có sự chủ quan?

Nếu như trước khi bão cơn bão Noru (bão số 4) đổ bộ (thời gian cách cơn bão số 5 chưa đến chục ngày), nhiều tỉnh thành như TT-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi… đã chuẩn bị các phương án từ sớm, từ xa, đồng bộ, quyết liệt - thì cơn bão số 5, ở TP Đà Nẵng người dân không nhận được cảnh báo gì từ chính quyền. Cho đến khi các nhóm thông tin phát tín hiệu "kêu cứu" thì mới có phương án tiếp nhận (số điện thoại đường dân nóng) ứng cứu?

Nhiều người dân đăng thông tin cầu cứu trong đêm 14/10

Có lẽ do đường đi của bão số 5 được Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, tối nay bão số 5 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới vào 19h tối 14/10, nên cả chính quyền và người dân đều chủ quan không có biện pháp ứng phó với mưa lớn.

Thiệt hại cho đến thời điểm này vẫn chưa thể cân-đo-đong-đếm, nhưng 4 gia đình có người thân tử vong trong mưa lớn đã rất ám ảnh. Vì ít nhiều, họ cũng được cập nhật thông tin từ xa về tiến độ nước dâng trong sự bất lực...

Một phụ huynh ở Quảng Nam, có con học ĐH ở trọ ở khu vực Mẹ Suốt. Con thông báo nước tràn vào phòng trọ đến nửa người, nhưng gia đình chỉ "ngồi trên đống lửa" gọi cứu hộ - nhưng thông tin nhận lại "Chúng tôi tiếp nhận và xử lý vì hiện tại đang quá tải..."

Điều đọng lại là những trách móc "giá như về sớm hơn thì có thời gian di chuyển đồ đạc, không bị hư hại nhiều", than vãn "mưa lớn chưa từng thấy trong lịch sử". Và giá như không chủ quan trong ứng phó thì thiệt hại về người sẽ không xảy ra?

Để không tái diễn

Đến trưa 16/10, nhiều con phố rác đủ loại được người dân gom chất đống. Các con ngõ, người dân vẫn tất bật dọn dẹp. Thi thoảng, lại có tiếng vang vọng "úp mì tôm ăn nhé...". Ngẩng mặt lên nhìn nhau, họ động viên nhau "trận mưa này không khác gì trận lũ ở Nghệ An". Sống ở TP mà khổ cơ cực...

Đến sáng 16/10, một tầng hầm chung cư trên đường Lý Thường Kiệt vẫn còn bị ngập sâu

Sau đêm kinh hoàng, chính quyền TP chỉ đạo các lực lượng dốc sức hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống. Các chuyên gia đi tìm lời giải cho trận mưa chưa từng có.

GS Vũ Trọng Hồng, nguyên Chủ tịch Hội Thuỷ lợi Việt Nam phải thốt lên, từ trước đến nay, ông chưa từng thấy Đà Nẵng phải hứng chịu trận mưa lên đến 500mm trong nửa ngày. Theo ông, trận mưa vừa rồi là lịch sử, có tính chất dị thường khiến TP Đà Nẵng hứng chịu lượng nước kỷ lục.Ông chỉ nguyên nhân dẫn đến trận mưa lịch sử ở Đà Nẵng là do hậu quả của việc biến đổi khí hậu. Ngoài ra, còn một yếu tố nữa cũng cần phải tính đến là quá trình đô thị hoá sinh ra một lượng lớn khí CO2 gây tích tụ mây. Khi mây gặp luồng không khí lạnh sẽ gây ra mưa lớn.

Bạn đọc báo VietNamNet khái quát, một số TP cứ mưa là ngập, thậm chí các TP ven biển như ở Quảng Ninh, Đà Nẵng cũng vậy. Khi ngập lụt xảy ra người ta cứ loay hoay đi tìm nguyên nhân, nhưng có một nguyên nhân mà ít ai nói đến đó là sự thiếu tôn trọng tự nhiên. Chả có cách nào chống được mưa lụt. Nếu ai đó nghĩ làm cống to để đáp ứng được lượng mưa lớn thì rất sai lầm bởi không ai biết được trận mưa tới sẽ có lượng nước đổ xuống là bao nhiêu. Việc tôn trọng tự nhiên phải là yếu tố đặc biệt cho các nhà làm quy hoạch xây dựng: Xây dựng theo địa hình "Góc nghiêng" tự nhiên chứ không phải cứ "Đắp cho thật cao" như hiện nay. Nếu tư duy quy hoạch xây dựng không thay đổi, cứ xây dựng đô thị theo kiểu "san đồi bạt núi", thì Đà Lạt, Tam Đảo cũng sẽ bị lụt như Đà Nẵng hay Quảng Ninh mà thôi.

Trong khi, hậu quả của trận mưa dị thường chưa khắc phục xong, thì một cơn bão mang tên Nesat (bão số 6) tiếp tục mạnh thêm, đang hướng vào Biển Đông được dự báo có diễn biến phức tạp, khó lường. Mỗi lúc trời chuyển trạng thái từ hửng nắng sang tối sầm là lại nơm nớp chỉ mong "đêm kinh hoàng" không lặp lại?