Bộ TT&TT đã thành lập các đoàn thanh tra việc chấp hành pháp luật về quản lý thông tin thuê bao đối với các chi nhánh của doanh nghiệp viễn thông, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông.

Rà soát xong cá nhân, doanh nghiệp sở hữu trên 10 SIM

Đại diện Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho hay, trong quý 2/2023, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông hoàn thành việc đối soát thông tin thuê bao với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Sau đó, Bộ TT&TT đã thành lập các đoàn thanh tra việc chấp hành pháp luật về quản lý thông tin thuê bao đối với các chi nhánh của doanh nghiệp viễn thông, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông, các tổ chức/cá nhân đăng ký số lượng lớn SIM.

Qua công tác thanh tra, đã phát hiện một số thuê bao sở hữu nhiều SIM không đúng quy định, dễ bị đối tượng xấu lợi dụng sử dụng số thuê bao đứng tên người khác (ẩn danh) để phát tán cuộc gọi rác, tin nhắn rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo gây mất trật tự an toàn xã hội.

Đồng thời trong quá trình sử dụng nhiều năm qua, một số thuê bao đã thay đổi người sử dụng do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng chưa cập nhật chính xác người sử dụng và là người chủ sở hữu của số thuê bao, dẫn đến có thể thông tin thuê bao tuy vẫn trùng khớp với cơ sở dữ liệu dân cư nhưng người sử dụng không đúng với thông tin người đứng tên đăng ký thuê bao.

Để hỗ trợ khách hàng cập nhật chính xác thông tin số thuê bao, tránh việc bị đình chỉ hoạt động đối với các SIM vi phạm quy định pháp luật trong quá trình thanh tra về quản lý thông tin thuê bao (người sử dụng không biết đang sử dụng số thuê bao của mình với tên người khác), thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ TT&TT, Cục Viễn thông đã yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông thực hiện rà soát các thuê bao sở hữu nhiều SIM; giao các doanh nghiệp viễn thông làm rõ việc sở hữu các số thuê bao do tổ chức, cá nhân đã thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với doanh nghiệp viễn thông; thông báo đến những khách hàng trong danh sách thuê bao sở hữu nhiều SIM, đề nghị cập nhật lại thông tin chính xác của người sử dụng/sở hữu thực của số thuê bao đó. 

Bên cạnh đó, Cục Viễn thông cũng chỉ đạo các doanh nghiệp triển khai các giải pháp hỗ trợ người sử dụng dịch vụ viễn thông cập nhật thông tin một cách thuận tiện nhất (điểm giao dịch trực tiếp, qua các công cụ trực tiếp hoặc cử nhân viên của doanh nghiệp trực tiếp đến hỗ trợ).

Cục Viễn thông cho biết, đến ngày 7/7/2023 các doanh nghiệp viễn thông đã xử lý xong tệp thuê bao là khách hàng doanh nghiệp sở hữu trên 10 SIM và đến 25/7/2023 xử lý xong tệp thuê bao là khách hàng cá nhân sở hữu trên 10 SIM.

Xử lý sai phạm của thuê bao sở hữu trên 10 SIM

Đại diện Cục Viễn thông cho hay, mục tiêu của đợt xử lý lần này đặt ra là người sử dụng SIM chính là người sở hữu (đứng tên) số thuê bao đó. Các biện pháp mà Cục Viễn thông đang chỉ đạo triển khai ở mức quyết liệt nhất để đạt được mục tiêu trên.

“Đến ngày 7/7/2023, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các nhà mạng xử lý đối với tệp khách hàng doanh nghiệp hơn 3 triệu SIM. Từ nay đến 25/7/2023, các nhà mạng tiếp tục xử lý đối với tệp khách hàng cá nhân. Với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan quản lý và của các nhà mạng, đến 30/8 sẽ giải quyết xong tình trạng sai phạm của các thuê bao sở hữu trên 10 SIM”, đại diện Cục Viễn thông nói.

Tuy nhiên,  để đạt được mục tiêu đã đề ra, góp phần xử lý các cuộc gọi rác, tin nhắn rác, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan báo chí, truyền thông hỗ trợ, đồng hành tuyên truyền vận động người dân, khách hàng sử dụng dịch vụ thực hiện theo thông báo của các nhà mạng, chủ động rà soát, cập nhật thông tin thuê bao chính xác, bảo đảm khách hàng sở hữu SIM đúng là người sử dụng.

“Bên cạnh đó, cũng cần sự phối hợp của khách hàng với các nhà mạng nếu nhận được thông báo của nhà cung cấp dịch vụ, chung tay ngăn chặn kẻ xấu lợi dụng việc đăng ký thông tin thuê bao các giai đoạn trước đây, sử dụng số thuê bao mang tên người khác, ẩn danh để thực hiện các thủ đoạn lừa đảo, mất an toàn an ninh trật tự”, đại diện Cục Viễn thông nói.