Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, tại hội nghị Tăng cường phòng chống dịch năm 2023 được tổ chức ở Bình Định ngày 14/4. Ông Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết các dịch bệnh đều có chiều hướng gia tăng.
Dịch Covid-19, tích lũy từ đầu dịch đến nay, cả nước ghi nhận 11.528.303 ca, trong đó có 43.186 ca tử vong. Đến nay, hơn 3,5 tháng, Việt Nam không ghi nhận ca tử vong do Covid-19. Tuy nhiên, trong 7 ngày qua (từ ngày 6/4 đến ngày 12/4), cả nước ghi nhận 849 ca mắc mới, trung bình có 120 ca mắc mới mỗi ngày, tăng 4,2 lần so với 7 ngày trước đó. Trong đó, nhóm tuổi từ 50 trở lên ghi nhận 262 ca (chiếm 30,9% số ca mắc mới, riêng ngày 13/4, cả nước ghi nhận gần 500 ca.
Dịch sốt xuất huyết, từ đầu năm cả nước đã ghi nhận được 25.490 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 2 lần so với cùng kỳ năm trước), trong đó có ba ca tử vong. Các địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao là TP.HCM, Bình Thuận, An Giang, Đồng Nai, Đà Nẵng, Khánh Hoà.
Theo ông Tâm, nguyên nhân tình hình dịch bệnh truyền nhiễm ở nước ta gia tăng thời gian qua là do tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, đô thị hóa, tình trạng chủ quan, lơ là, thiếu chủ động, quyết liệt xảy ra tại một số nơi, sự vào cuộc của các cấp, các ngành chưa đồng bộ, nhất quán.
Mặc dù dịch Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm khác cơ bản vẫn đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước nhưng tình hình dịch bệnh truyền nhiễm dự báo diễn biến khó lường, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Hiện nay, các tác nhân gây bệnh liên tục biến đổi. Dịch Covid-19 hiện vẫn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát với các biến thể mới.
Ông Tâm cho biết tỷ lệ tiêm chủng mở rộng, tiêm vaccine phòng Covid-19 chưa đạt như mong muốn, số người chưa tiêm chủng cao, khả năng miễn dịch giảm. Ngoài ra, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi tiếp tục xuất hiện và lây lan như Marburg, cúm A(H5N1) đe dọa sức khỏe cộng đồng.