- "Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến", câu ca trên cho thấy sự sầm uất của một thương cảng nằm bên bờ sông Hồng thuộc thành phố Hưng Yên ngày nay.

Từ thế kỷ thế kỷ 13, sau khi nhà Nguyên diệt Tống, một số kiều dân Trung Quốc tị nạn đã kéo sang Việt Nam xin nhà Trần lập nên làng Hoa Dương. Cùng lúc đó, một số người Việt từ nhiều nơi khác cũng đến buôn bán và làm ăn dần hình thành nên khu dân cư đa sắc tộc bên dòng sông Cái. Tên gọi "Phố Hiến" xuất hiện lần đầu tiên vào cuối thế kỷ 15, trong công cuộc cải cách hành chính của vua Lê Thánh Tông.

Đây cũng là thời kỳ nền nông nghiệp và thủ công nghiệp của nước ta đã phát triển mạnh mẽ, tạo ra sản phẩm hàng hóa đáng kể. Chính cơ sở này đã tạo ra nhu cầu trao đổi và thúc đẩy thương nghiệp phát triển. Nhờ vị trí địa lý thuận lợi và những tác nhân lịch sử xã hội tác động, Phố Hiến đã hình thành một đô thị thương nghiệp lớn và đến thế kỷ 17, nơi đây mới trở thành một thương cảng sầm uất, trung tâm giao thương của vương quốc Đàng Ngoài.

Do nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, cạnh hệ thống sông lớn nên Phố Hiến giữ vai trò đặc biệt quan trọng, là thương cảng trung chuyển hàng hóa của thương nhân ngoại quốc, cũng là nơi họ chờ để mua bán trao đổi.

Từ cuối thế kỷ 17, các lái buôn Hà Lan đã giong thuyền đến Phố Hiến, Họ thường mang bạc, đồng đến mua đổi lấy các loại tơ hoặc vải lụa. Hương điếm của Công ty Đông Ấn Hà Lan là ngôi nhà đầu tiên ở Phố Hiến được xây bằng gạch, nằm sát bờ sông Hồng. Trong những năm đầu, người Hà Lan làm ăn khá phát đạt. Thống kê cho thấy, trong khoảng thời gian 1638 - 1642 đã có 5 tàu của Hà Lan cập bến Phố Hiến mang theo 1.323.631 florins, 20.000 lạng bạc và các hàng hóa trao đổi và mua được số lượng lớn các mặt hàng tơ sống, vải lụa đã dệt, lĩnh và quế chi. Do sự cạnh tranh của người Anh nên các thương nhân Hà Lan dần bị lép vế.

{keywords}

Quang cảnh Phố Hiến xưa

Tuy nhiên, những thương nhân Phương Tây đầu tiên đặt chân đến Phố Hiến là những người Bồ Đào Nha, nhưng họ là các thương nhân độc lập, không lập công ty, không đặt thương điếm. Các thương nhân người Pháp cũng đã có mặt ở đây. Công ty Đông Ấn của Pháp được lập tại Phố Hiến vào năm 1680.

Cùng với các thuyền buôn chở hàng của thương nhân đến từ Âu châu, thuyền buôn của người Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan cũng tìm về Phố Hiến. Các thương nhân Trung Hoa thường tìm mua hương liệu, sản vật tự nhiên như ngà voi, gỗ quý. Còn người Nhật thường mang bạc, đồng đến mua đổi lấy các loại tơ hoặc vải lụa. Có những người Nhật định cư lâu dài, đã chuyển sang làm một số nghề như hoa tiêu dẫn tàu vào cửa sông, phiên dịch, môi giới. Tả về sự sầm uất của Phố Hiến, sách Đại Nam Nhất Thống Chí viết rằng " phong vật phồn thịnh, nhà ngói như bát úp".Các thuyền mành bằng gỗ của Trung Quốc, Xiêm La và các nước châu Á khác có thể neo đậu sát bờ sông Hồng, còn thuyền châu Âu lớn thường neo ở vùng nước sâu giữa sông"

Tuy nhiên, do dòng chảy sông Hồng thay đổi, bến cảng Phố Hiến bị bồi lắng nên việc bốc dỡ hàng hóa trở nên khó khăn. Mặt khác, Trung Quốc bãi bỏ lệnh cấm biển, mở ra một thị trường đông đúc hấp dẫn. Nhật Bản cũng chuyển sang chiến lược xuất khẩu bạc, vàng, tơ lụa. Các tuyến buôn bán đường biển trực tiếp trở nên thông thoáng hơn, không cần qua khâu trung gian, nên ngoại thương Việt Nam và ở Phố Hiến nói riêng đã giảm thiểu đáng kể. Các thương điếm phương Tây ở Phố Hiến lần lượt đóng cửa, vắng các tàu buôn, thương cảng Phố Hiến dần suy tàn.

Lê Đình Kiên - người gắn với thương cảng Phố Hiến

Thương cảng Phố Hiến chỉ còn trong trang sử nhưng tên tuổi Lê Đình Kiên, người lập nên nó vẫn còn lưu danh. Ông sinh năm 1621 tại làng Thiết Đanh, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa (nay thuộc xã Định Tường, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) trong một gia đình nông dân nghèo, bố mất sớm, mẹ con tần tảo nuôi nhau. Sau làm con nuổi ông Tả tướng Hờn người huyện Tĩnh Gia cùng tỉnh. Năm Giáp Thìn (1664), ông vâng lệnh triều đình ra làm trấn thủ trấn Sơn Nam. Công lao lớn nhất của ông là dẹp yên quân Tàu ô và mở mang Phố Hiến, được phong Đặc tiến phụ Thượng tướng quân, trung quân đô đốc phủ, hữu đô đốc thiếu bảo, tước quận công, hàm Thái bảo. Sau khi chết được tặng Dực bảo trung hưng Đại vương.

{keywords}

Mô phỏng Phố Hiến xưa

Không những có tài về quản lý mà Lê Đình Kiên còn giỏi về làm thương nghiệp, ngoại giao. Suốt 40 năm ông cai quản Phố Hiến ( từ 1664- 1704), dân sông yên vui, no đủ. Lúc ông mất, cả người Việt và người nước ngoài ngụ ở Phố Hiến đều dựng bia ghi công ông. Hiện nay ở Phố Hiến, có 2 tấm bia ghi công đức của ông.

Bia do trưởng tài Nam Hải là Trần Đế Đào, người Phúc Kiến (Trung Quốc) dựng năm 1723, có đoạn: " Chúng tôi vượt bể sang Nam theo nghề buôn bán, tàu thuyền qua lại thường lấy Vạn Lai Triều làm bến, nên từ ngày nuôn bán tới nay đã vài mươi năm, vui về nghề nghiệp, kẻ gần thì sùng, người xa thì tới, đều là nhờ Anh Linh Vương, tức đức Thái Bảo họ Lê không biết bao giờ hết. ngài yêu dân như con, có mẹo dẹp giặc, lại tiết kiệm trong việc chi dung đỡ tốn của dân. Tấm lòng yêu nước, trung vua của ngài dù em bé lên ba trong nước cũng đều ca ngợi".

Lê Đình Kiên ổn định xã hội, dẹp giặc, trộm cướp không chỉ bằng pháp luật, mà còn bằng cả tấm lòng bao dung nhân ái. Những người dân trước đây vì đói kém, loạn lạc, phải tha phương cầu thực, lưu tán các nơi, ông cho tập trung lại, cho đất lập làng, tạo điều kiện làm ăn sinh sống. Những người Trung Hoa chạy loạn nhà Thanh sang ta, ông chiêu dụ lại, cấp đất cho làm ăn. Không chỉ tập trung công sức xây dựng Phố Hiến thành nơi phồn hoa đô hội mà ông còn động viên nhân dân trồng nhiều nhãn, một loại cây đặc sản của Hưng Yên.

Là người có tài về chính trị, quân sự, ngoại giao, ngoại thương nên ông được vua chúa trọng dụng, được thay mặt triều đình giao thiệp và cộng tác với các thương điếm ngoại quốc đến buôn bán ở Phố Hiến như Hà Lan, Anh, Pháp, Nhật Bản, Bồ Đào Nha.....

Thanh Lê