Người dân phải là trung tâm của đô thị thông minh

Tại Hội nghị Giao ban quản lý Nhà nước Quý II/2023 của Bộ TT&TT với các Sở TT&TT, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, cần phải có một góc nhìn khác đối với việc phát triển các thành phố thông minh. 

Theo đó, từ năm 2010-2020, khi nhắc đến câu chuyện “Smart City” hay đô thị thông minh, cả thế giới tập trung vào chữ “Smart”, tức là đầu tư công nghệ cho các thành phố. Việc biểu diễn công nghệ tốn kém nhưng không mang lại nhiều giá trị cho người dân và dẫn đến thất bại. 

Tuy nhiên từ sau năm 2020, đã có người đứng lên chỉ ra sai lầm của việc phát triển các đô thị thông minh. Thay vì chú trọng vào “Smart”, trung tâm của đô thị thông minh giờ đây là là “City” hay đô thị, người dân, yếu tố công nghệ chỉ là công cụ.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Lê Anh Dũng

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đô thị thông minh có một số bài toán cơ bản có thể giải quyết bằng các nền tảng. Việc giải các bài toán cơ bản này không tốn nhiều chi phí, trong khi có thể đáp ứng 80-90% cái gọi là đô thị thông minh. 

Trong việc phát triển các đô thị thông minh, cách làm hiện giờ là phải đi “2 chân”, với một số cái căn bản làm chung, kết hợp với ngữ cảnh và bài toán địa phương. Tại những đô thị phát triển, có tiềm lực kinh tế, họ có thể giải các bài toán đô thị thông minh ở mức nâng cao hơn tùy theo sức của mình.

Đô thị thông minh phải giải quyết đúng vấn đề dân cần

Số liệu của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho biết, đến năm 2030, sẽ có khoảng 46 triệu người dân Việt Nam sống tại các đô thị. Việc phát triển các đô thị thông minh được nhận định sẽ giúp giải quyết nhiều vấn đề phát sinh do sự tăng trưởng nóng của các đô thị tại Việt Nam. 

Phát triển đô thị thông minh được xác định là một hướng đi đúng đắn cho các đô thị. Đây là lý do dẫn đến việc nhiều tỉnh, thành phố tại Việt Nam đã có đề án về việc xây dựng đô thị thông minh. Dù lựa chọn mô hình và cách làm ra sao, dịch vụ của những đô thị này cần phải được cung cấp trên các nền tảng số để người dân có thể thụ hưởng giá trị từ sự phát triển của các đô thị này mang lại. 

Trung tâm điều hành thông minh thành phố Thái Nguyên. Ảnh: Trọng Đạt

Khi nói về các hình mẫu cho Việt Nam, PGS.TS Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết, New York (Mỹ) là thành phố thực hiện rất tốt việc chuyển đổi số ngành cấp nước. Nhờ đô thị thông minh, người dân ở đây có thể theo dõi được lượng nước cũng như chất lượng nước tiêu thụ. 

Tại Singapore, họ có những thùng rác thông minh, xử lý ngay tại các trạm mini. Ở Paris (Pháp), thành phố này đang chuyển sang các hệ thống giao thông không dùng năng lượng hóa thạch. Với trường hợp của Việt Nam, các địa phương phải tùy vào điều kiện cụ thể của mình để lựa chọn việc phát triển đô thị thông minh sao cho phù hợp.

Theo ông Dương Công Đức, Giám đốc trung tâm Đô thị thông minh, Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel, để xây dựng đô thị thông minh tiết kiệm, hiệu quả, các tỉnh, thành phố nên tối ưu nguồn lực, áp dụng công nghệ để đưa ra các phân tích chính xác, phù hợp, từ đó đáp ứng và giải quyết nhu cầu của từng người dân. 

Các địa phương cần tìm và giải quyết được các bài toán Việt Nam, đó là những bài toán đặc thù như phát hiện người lấn chiếm vỉa hè, đổ rác thải trộm. Ngoài ra, cần quan tâm đến việc đào tạo người dân để họ có đủ năng lực thụ hưởng các thành quả của đô thị thông minh.

Người dân cùng tham gia phát triển đô thị thông minh

Thực tế cho thấy, Đà Nẵng là một trong những địa phương tích cực nhất cả nước trong việc triển khai mô hình đô thị thông minh hướng tới phục vụ lợi ích người dân. Tại đây, người dân khi đi xe buýt có thể đứng ở vị trí của mình và gửi tin nhắn theo cú pháp tới tổng đài để nhận được thông tin về các tuyến và trạm xe buýt gần nhất.

Với du khách, khi đến một nhà hàng bất kỳ tại Đà Nẵng, họ có thể nhắn tin theo cú pháp về tên, địa chỉ nhà hàng. Hệ thống sau đó sẽ gửi tin nhắn cho biết nhà hàng đó đã được cấp giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm hay chưa, lịch sử vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm của cơ sở kinh doanh đó. 

Tương tự đối với dịch vụ vận tải, khi du khách sử dụng dịch vụ vận tải tại Đà Nẵng, họ có thể nhắn số xe của người cung cấp dịch vụ cho tổng đài. Hệ thống sẽ trả về thông tin chi tiết cho biết chiếc xe sử dụng được đăng ký năm nào, có thường xuyên bảo dưỡng định kỳ hay không.

Từ đầu tháng 6/2023, Sở TT&TT Đà Nẵng đã tích hợp dữ liệu vị trí nhà vệ sinh cộng đồng lên ứng dụng “Danang Smart City” theo dạng bản đồ để người dân, du khách dễ tiếp cận. 

Trung tâm điều hành thông minh thành phố Đà Lạt - nơi tiếp nhận và xử lý những phản ánh của người dân về trật tự đô thị. Ảnh: Trọng Đạt

Tại Huế, với phương châm lấy người dân làm trung tâm, chính quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có nhiều cách làm để người dân trực tiếp tham gia vào việc xây dựng đô thị thông minh tại địa phương.

Thông qua ứng dụng Hue-S trên điện thoại di động, người dân có thể sử dụng smartphone để chụp hình, gửi video những vấn đề cần phản ánh lên hệ thống. Khi phản ánh, mọi người dân đều sẽ được bảo mật thông tin cá nhân. 

Căn cứ vào hình ảnh người dân cung cấp và dữ liệu ghi nhận trực tiếp từ hệ thống hình ảnh camera giám sát, Trung tâm điều hành đô thị thông minh sẽ tiếp nhận, phân luồng từng nội dung cụ thể và gửi về các cơ quan chức năng để xử lý. Tất cả các dữ liệu phản ánh từ người dân đều được lưu vết và công khai trên hệ thống để người dân cùng tham gia giám sát.

Trước đây, nhiều tuyến phố trung tâm thành phố Huế đã trở thành nỗi ám ảnh bởi tình trạng ngang nhiên lấn chiếm vỉa hè để buôn bán, tạo nên những cảnh tượng nhếch nhác, phản cảm. Nhờ sự vào cuộc của người dân, Huế đã giải quyết thành công câu chuyện này. Hàng ngàn các phản ánh cộng đồng thông qua ứng dụng Hue-S đã được tiếp nhận, xử lý trong suốt hành trình xây dựng đô thị thông minh ở Huế.