Ngày 11/11/2022, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Viện Khoa học Pháp lý (Bộ Tư pháp), tổ chức hội thảo “Chất lượng của quy định và sự thuận lợi của môi trường kinh doanh”. Theo VCCI, qua phản ánh của doanh nghiệp, công văn áp dụng pháp luật còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập.

Công văn là dạng văn bản hành chính, hình thành trong quá trình chỉ đạo, điều hành giải quyết công việc của các cơ quan tổ chức. Công văn có vai trò quan trọng, tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và môi trường kinh doanh. Nếu công văn có chất lượng tốt, sẽ giúp việc áp dụng luật pháp nhanh chóng và thuận lợi, ngược lại có thể trở thành rào cản, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, VCCI cho biết. 

Công văn áp dụng pháp luật còn nhiều bất cập, gây quan ngại cho các doanh nghiệp và ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh. Ảnh Hoàng Hà.

Theo Luật ban hành Văn bản quy phạm pháp luật, công văn không phải là văn bản quy phạm pháp luật, nên không được ban hành các quy định pháp luật. Tuy vậy, hiện nay vẫn có nhiều công văn chứa đựng các quy định pháp luật. Chẳng hạn như công văn 8909/BKHĐT-PC, ngày 31/12/2020, do Bộ Kế hoạch Đầu tư ban hành, hướng dẫn thi hành Luật đầu tư 2020; hay các công văn của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện quy định của Luật dược; công văn triển khai thực hiện các quy định của luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu…Việc ban hành công văn hướng dẫn trong trường hợp chưa ban hành kịp văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành luật, sẽ đảm bảo sự thông suốt các hoạt động, tránh lúng túng khi thực hiện nhưng phát sinh nhiều hệ lụy. Cụ thể, những quy định tác động đến doanh nghiệp nhưng lại ban hành theo quy trình không được giám sát, chủ yếu dựa trên ý chí của cơ quan ban hành. Điều này đặc biệt nghiêm trọng, nếu các quy định không hợp lý, gây khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp và tạo rủi ro cho cơ quan thực hiện. 

Với công văn hướng dẫn áp dụng pháp luật, hoặc trả lời các vướng mắc, là căn cứ để các doanh nghiệp hiểu quy định của pháp luật và biết sẽ phải thực hiện như thế nào. Tuy nhiên, cùng một trường hợp lại có diễn giải khác nhau giữa các cơ quan quản lý. Chẳng hạn như xác định loại hàng hóa nhập khẩu cho doanh nghiệp nhập khẩu về, trong khi cơ quan hải quan có công văn xác đinh là mỹ phẩm thì Bộ Y tế lại có công văn xác định là trang thiết bị y tế. Việc thiếu thống nhất khiến doanh nghiệp không biết sẽ thực hiện như thế nào.

Trước khi thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh, nếu không biết chắc chắn liệu có được phép thực hiện hay không hay phải tuân thủ quy định gì, sẽ gửi công văn xin ý kiến  cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên, hiện tượng là cơ quan Nhà nước không trả lời thẳng vào câu hỏi của doanh nghiệp mà trích dẫn một loạt các quy định pháp luật và kết luận theo hướng doanh nghiệp tự đọc các quy định đó để nhận biết các  thủ tục thực hiện. Đây là công văn mà doanh nghiệp không hề mong đợi, bởi gần như không giúp gì cho họ trong việc nhận biết, giải đáp pháp luật, VCCI nhận xét.

Theo VCCI qua rà soát và phản ánh của doanh nghiệp, nội dung công văn tồn tại nhiều vấn đề bất cập. Đây là loại văn bản không chịu sự kiểm soát của quy trình ban hành hay tính chịu trách nhiệm của cơ quan ban hành, vì vậy gây ra rất nhiều quan ngại cho cộng đồng doanh nghiệp.