Đó là thông tin đáng chú ý tại Hội nghị về công tác xúc tiến du lịch năm 2024, do Cục Du lịch quốc gia Việt Nam tổ chức chiều 10/4.  

Mời nhà sản xuất phim Mỹ quảng bá du lịch Việt Nam

Trong kế hoạch quảng bá xúc tiến của ngành du lịch Việt Nam năm 2024, như tham gia các hội chợ du lịch quốc tế, giới thiệu du lịch Việt Nam tại các nước,... dự kiến sẽ tổ chức hoạt động quảng bá thông qua điện ảnh

Với vai trò là đầu mối kết nối, ông Nguyễn Châu Á, Tổng giám đốc Oxalis Adventure, cho hay, đang làm việc đại diện Indochina Productions - nhà sản xuất phim Kong: Skull Island và Peter Pan có cảnh quay ở Việt Nam, để lên kế hoạch tổ chức triển lãm Expo in Hollywood, dự kiến diễn ra vào tháng 9/2024, tại TP. Los Angeles (Mỹ). 

vinh-ha-long-meo-gia-1-1.jpg
Phim Kong: Skull Island quảng bá cảnh đẹp vịnh Hạ Long ra thế giới. Ảnh: meogia 

Triển lãm nguyên một ngày dành riêng cho Việt Nam, với sự tham gia của khoảng 200 nhà sản xuất phim, trong đó có các hãng lớn như Amazon, Netflix, Dysney,… những người có quyền quyết định địa điểm quay phim. Tại đây, Việt Nam sẽ kêu gọi các nhà làm phim tham gia sản xuất tại Việt Nam, với những chính sách hỗ trợ riêng. 

Kinh phí tổ chức sự kiện tầm 10 tỷ đồng, 100% huy động từ đóng góp của doanh nghiệp, với 15-20 gian hàng triển lãm của các doanh nghiệp lớn, các gian hàng giới thiệu ẩm thực Việt Nam,...

Đây là dự án lớn do Bộ VH-T&DL chủ trì, với sự phối hợp của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, sự tham gia của các doanh nghiệp du lịch lớn, hãng phim, công ty dịch vụ hậu cần,… nếu thành công, ông Nguyễn Châu Á cho rằng sẽ thúc đẩy hoạt động làm phim tại Việt Nam, qua đó quảng bá hình ảnh điểm đến rất tốt.

Tại hội nghị, đại diện cơ quan du lịch các địa phương như TP.HCM, Hà Nội,… hãng hàng không Vietnam Airlines cũng bày tỏ ủng hộ chủ trương này. 

Ngoài ra, liên quan đến công tác xúc tiến du lịch, các địa phương, doanh nghiệp du lịch cũng kiến nghị Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cần triển khai sớm, quyết liệt kế hoạch xúc tiến đề ra cho năm nay. Cơ quan quản lý cũng cần hoàn tất kế hoạch xúc tiến vào tháng 11 hàng năm để căn cứ vào đó, các địa phương xây dựng kế hoạch xúc tiến của mình.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, ông Nguyễn Hồng Minh góp ý, hàng năm các địa phương và doanh nghiệp đều tự bỏ chi phí xúc tiến nhưng vẫn thiếu một “nhạc trưởng” đứng ra điều phối. Chúng ta cũng chưa tranh thủ tận dụng được các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài trong quảng bá du lịch. Hơn nữa, cần thúc đẩy sớm thành lập văn phòng đại diện du lịch Việt Nam ở thị trường mạnh, có tiềm năng, thay vì là thị trường Lào như đề xuất gần đây của Cục Du lịch Việt Nam.

Nâng cao nhận thức điểm đến Việt Nam 

Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, tiếp đà tăng trưởng của năm 2023, quý I năm 2024, du lịch Việt Nam đã đón được 4,6 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019. 

Năm nay, ngành du lịch đặt mục tiêu đạt 17-18 triệu lượt khách quốc tế. Thứ trưởng Hồ An Phong lưu ý, dù du lịch Việt Nam có được kết quả ấn tượng, là một điểm sáng nhưng so với các nước láng giềng, các thị trường cạnh tranh thì rõ ràng chúng ta chưa đạt do còn nhiều dư địa, tiềm năng.

Thứ trưởng Hồ An Phong nhận định, năm nay tăng trưởng du lịch mới phấn đấu đạt như 2019. "Dù phục hồi như trước dịch, nhưng chúng ta vẫn tụt hậu 4-5 năm”, ông nói. 

W-trang-an9-2.jpg
Công tác xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh mới hậu Covid-19 và thế giới biến động. Ảnh: Hoàng Hà

Do đó, trong các giải pháp nhằm đạt được kế hoạch đặt ra cho năm 2024, theo ông Phong, đòi hỏi phải đổi mới công tác xúc tiến quảng bá du lịch, nhất là trong bối cảnh hậu Covid-19 và thế giới có nhiều biến động. Phải thay đổi cách làm, cách tiếp cận về thị trường. 

Ông ví von, quảng bá xúc tiến như một dòng chảy không ngừng, chỉ dừng lại là trôi mất. Nếu không tiếp tục làm kiên trì, làm liên tục, làm thường xuyên, làm ấn tượng hơn thì thương hiệu du dịch Việt Nam sẽ bị lãng quên. 

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL cho rằng, trong các kế hoạch, nhiệm vụ quảng bá, xúc tiến du lịch hàng năm đều rất rộng, nhiều địa bàn, nhiều thị trường trọng điểm và thị trường tiềm năng, nhưng nguồn lực lại có hạn nên hiệu quả chưa như mong đợi. Do đó, việc huy động xã hội hóa, nhất là sự hợp sức của các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, trong việc tham gia các hoạt động, sự kiện xúc tiến du lịch có điểm nhấn mang tầm quốc gia có ý nghĩa rất quan trọng.

Theo ông Nguyễn Châu Á, Tổng giám đốc Oxalis Adventure, một đất nước muốn du lịch phát triển cần có điểm đến mạnh, đòi hỏi công tác quảng bá điểm đến phải rất tốt.  

Việc xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam tại các hội chợ, roadshow, ông Á cho rằng nếu đối tác đi bán mà khách du lịch không nhận diện được điểm đến có gì họ sẽ không đi. Vì thế, cần quảng bá để nâng cao nhận thức điểm đến Việt Nam cho du khách ở tất cả các thị trường mà ta nhắm đến, để họ tìm kiếm Việt Nam khi đi du lịch hoặc qua đối tác mua tour đến Việt Nam.