Phủ sóng điểm đến tại các thị trường trọng điểm
Bà Sukanya Sirikanjanakul - Giám đốc Khu vực Đông Nam Á, Nam Á và Nam Thái Bình Dương thuộc Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT), cho biết, nước này có 29 văn phòng đại diện du lịch trên khắp thế giới, gồm 18 văn phòng ở châu Á, 8 văn phòng ở châu Âu và 3 ở Bắc Mỹ.
Các văn phòng được mở ra để phủ sóng hình ảnh Thái Lan ra khắp thế giới, với nhiều đối tượng khách quốc tế. Theo bà Sukanya Sirikanjanakul, hàng năm, đại diện các văn phòng phải về Thái để họp và cùng nhau lên kế hoạch, đưa ra các chiến dịch quảng bá thích hợp với từng thị trường khách. Sau khi thống nhất chiến dịch, Tổng cục Du lịch Thái Lan sẽ cho họp báo toàn cầu.
Với sự hỗ trợ tích cực từ các văn phòng đại diện du lịch ở nước ngoài, 5 tháng đầu năm nay, Thái Lan đã đón gần 10,4 triệu lượt khách quốc tế, thu về 428 tỷ baht.
Năm 2023, nước này dự kiến thu về 2.380 tỷ baht từ du lịch, trong đó 1.500 tỷ baht từ khách quốc tế, còn lại từ thị trường trong nước.
Không chỉ Thái Lan, từ năm 2019, Malaysia cũng có 35 văn phòng đại diện du lịch ở nước ngoài, Singapore có 23 văn phòng, Hàn Quốc có 31 văn phòng.
Từ quan sát cá nhân, ông Nguyễn Tiến Đạt, CEO AZA Travel, nhận thấy, Việt Nam không phải là thị trường du lịch lớn nhưng các quốc gia như Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Nhật Bản, Nga… đều mở văn phòng đại diện du lịch và hoạt động rất hiệu quả trong việc quảng bá, xúc tiến du lịch đất nước họ.
Ông Đạt dẫn chứng, Hàn Quốc giờ không chỉ quảng bá các điểm đến truyền thống như Seoul, đảo Jeju,... mà cả vùng sâu, vùng xa có tiềm năng du lịch của xứ sở kim chi. Họ có chính sách xúc tiến bán hàng rất tốt, treo thưởng, vinh danh các DN có đoàn khách MICE lớn, miễn phí tham quan điểm đến hay tặng quà lưu niệm cho khách... Họ tổ chức thi viết, thi ảnh về đất nước Hàn Quốc để có tin bài, hình ảnh quảng bá lan truyền trên các kênh chính thức và mạng xã hội.
Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Flamingo Redtours, cũng cho hay, văn phòng đại diện du lịch có nhiều chức năng, từ quảng bá sản phẩm, thăm dò nhu cầu của khách đến kết nối thông tin giữa DN Việt Nam với nước sở tại, cung cấp thông tin kịp thời.
Nhờ đó, du lịch Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc,... sớm phục hồi, ngay sau khi hết dịch là có khách vì các cơ quan xúc tiến hoạt động rất hiệu quả.
“Bản thân tôi hàng tuần, hàng tháng đều được cập nhật thông tin từ các cơ quan này về dịch Covid, về tình hình chuẩn bị đón khách trở lại nên khi ta mở cửa họ lập tức có sản phẩm chào bán”, ông Hoan nói.
Tổng cục Du lịch Thái Lan còn tổ chức rất nhiều sự kiện du lịch cho công chúng. Mới đây, họ tập trung quảng bá hai dòng mới: du lịch MICE và các điểm đến mới như Chiềng Mai, đông bắc Thái Lan giáp Lào, phủ thông tin về các sản phẩm, điểm đến cho khách. Nếu khách đến Thái nhiều lần rồi thì họ vẫn thấy muốn trở lại. Trên thực tế, 70% khách du lịch quốc tế tới Thái Lan quay lại lần hai.
Việt Nam thiếu kịch bản tổng thể về quảng bá xúc tiến
Trong khi đó, Việt Nam mới mở 3 văn phòng đại diện du lịch ở nước ngoài, đó là văn phòng tại Nhật Bản (tháng 6/2014), tại Hàn Quốc (tháng 6/2019) và Anh (tháng 2/2020). Vừa mở song lại vướng dịch Covid-19 nên hoạt động của hầu hết văn phòng đều bị hạn chế, có văn phòng đã đóng cửa.
Mới đây nhất, tại Nghị quyết 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan tổ chức nghiên cứu và xây dựng đề án thành lập văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài, trước mắt là một số thị trường du lịch trọng điểm.
Trong khi đó, hạn chế lớn nhất hiện nay trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch của Việt Nam là chi phí rất hạn hẹp. Với khoảng 2 triệu USD, số tiền của Việt Nam cho công tác này chỉ bằng chỉ bằng 2,9% của Thái Lan, 2,5% của Singapore và 1,9% chi phí của Malaysia. Vì thế, du lịch Việt Nam ít có cơ hội tham gia các sự kiện lớn, các hội chợ quốc tế quy mô toàn cầu với những gian hàng gây ấn tượng.
Ông Nguyễn Công Hoan cho rằng, du lịch Việt Nam đã nhận ra và đang tháo gỡ các nút thắt về chính sách xuất nhập cảnh, về thị trường sau Covid, về sản phẩm du lịch,... Bây giờ làm sao để thông tin về tất cả sự thay đổi đó đến được khách hàng, khách quốc tế. Đó là việc của truyền thông, quảng bá.
Không bao giờ là muộn, chỉ có điều chúng ta sẽ phối hợp với nhau như thế nào để quảng bá tốt nhất. Du lịch Việt Nam năm nay đặt mục tiêu đạt hơn 100 triệu khách trong nước, 8 triệu khách quốc tế, 650 nghìn tỷ đồng doanh thu, nhưng lại chưa đề cập đến việc dành bao nhiêu tiền cho công tác xúc tiến quảng bá, chưa phân công Cục Du lịch quốc gia sẽ làm gì, địa phương làm gì, DN lữ hành làm gì, hàng không làm gì, các điểm đến làm gì?
Hầu như chúng ta chưa có một kịch bản tổng thể về truyền thông quảng bá, nếu không rất có thể sẽ xảy ra tình trạng trống đánh xuôi kèn thổi ngược, nguồn lực bị phân tán, trùng lắp, các điểm đến cạnh tranh với nhau - vị tổng giám đốc trăn trở.
Về chi phí xúc tiến và mở văn phòng đại diện du lịch ở nước ngoài, ông Hoan cho rằng từ ngân sách, cơ quan ngoại giao, chi phí xúc tiến thương mại, quỹ xúc tiến du lịch và xã hội hóa. Các văn phòng hoạt động như một đơn vị sự nghiệp có thu thông qua đặt hàng của doanh nghiệp, địa phương.
Ngoài ra, có thể tham khảo mô hình văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam tại Anh khi hoạt động theo mô hình hợp tác công - tư, do Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) vận động kinh phí từ các nhà tài trợ. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là chưa có quy chế thành lập và vận hành văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài, chưa có thỏa thuận chính thức nào giữa TAB và Bộ VH-TT&DL hay Cục Du lịch quốc gia về hợp tác công tư trong việc vận hành văn phòng xúc tiến du lịch.