Chủ động theo dõi, nhận diện rủi ro

Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), trong một số trường hợp, khi hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được hưởng thuế suất thấp hơn các đối tác khác, hàng hóa của Việt Nam lại nhận được những lợi ích cạnh tranh nhất định. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU/Vương quốc Anh cần lưu ý nhiều vấn đề.

Doanh nghiệp cần hợp tác, liên kết các bên trong quá trình ứng phó vụ việc điều tra PVTM. 

Đó là doanh nghiệp cần thường xuyên theo dõi và đánh giá các khuyến cáo cảnh báo sớm đối với hàng hóa có nguy cơ bị điều tra PVTM. Hiện nay, Bộ Công Thương đang xây dựng và triển khai hệ thống cảnh báo sớm nguy cơ hàng hóa bị điều tra PVTM và nguy cơ hàng hóa bị điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM.

Việc theo dõi các cảnh báo từ Bộ Công Thương và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh xuất khẩu phù hợp, giảm tác động tiêu cực khi bị áp dụng biện pháp là rất cần thiết. Doanh nghiệp có thể liên hệ Cục PVTM – Bộ Công Thương hoặc theo dõi trang thông tin điện tử chính thức của Cục PVTM để cập nhật các danh sách cảnh báo này.

Ngoài ra, cần đánh giá quy mô và lợi ích thị trường để đưa ra phương án ứng phó phù hợp. Việc doanh nghiệp có hợp tác trong quá trình điều tra hay không sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả điều tra. Trong trường hợp doanh nghiệp không hợp tác, Cơ quan điều tra EU/Vương quốc Anh sẽ sử dụng dữ liệu sẵn có để đưa ra kết luận.

Thông thường, mức thuế PVTM đối với các doanh nghiệp không hợp tác sẽ rất cao, đến mức doanh nghiệp buộc phải từ bỏ thị trường. Mặt khác, để ứng phó với một vụ việc điều tra PVTM, doanh nghiệp sẽ phải sắp xếp bố trí nguồn lực cần thiết. Để bảo đảm hiệu quả, doanh nghiệp thường phải thuê luật sư tư vấn có kinh nghiệm và trình độ về thương mại quốc tế, trong nhiều trường hợp sẽ cần đến hỗ trợ của luật sư nước ngoài do Việt Nam không có đủ nguồn lực luật sư tư vấn về lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, việc theo sát quá trình điều tra thường kéo dài 1 năm, cần nguồn nhân lực thường xuyên và phụ trách xuyên suốt. Do đó, doanh nghiệp cần cân nhắc đánh giá về các khả năng và so sánh lợi ích để quyết định tham gia hoặc không tham gia ứng phó với vụ việc điều tra của EU/Vương quốc Anh.

Tương tự các vụ kiện từ EU

Cục PVTM cho biết: Sau khi tách ra từ EU, Vương quốc Anh đã xây dựng thể chế PVTM riêng cho mình trên nền tảng pháp luật của EU. Vì vậy, về cơ bản khi ứng phó với các vụ việc từ Vương quốc Anh, các doanh nghiệp cũng cần lưu ý các vấn đề tương tự như vụ việc từ EU. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần nắm được một số đặc điểm riêng trong quá trình điều tra vụ việc PVTM của Vương quốc Anh mà cẩm nang khái quát dưới đây.

Cách một cuộc điều tra có thể được bắt đầu khi có các yêu cầu được quy định trong luật của Vương quốc Anh. Các cuộc điều tra có thể được bắt đầu khi một ngành công nghiệp của Vương quốc Anh có khả năng bị thiệt hại bởi các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, hoặc trong những trường hợp đặc biệt, bởi Bộ trưởng Bộ Thương mại quốc tế Vương quốc Anh (DIT).

Cục PVTM lưu ý đối với các cuộc điều tra tự vệ thường không được bắt đầu theo cách giống như các cuộc điều tra bán phá giá hay trợ cấp, quy trình khởi xướng không cần thông báo hay mời tham vấn cho chính phủ nước ngoài có liên quan. Điều này là do hạn ngạch thuế quan hoặc thuế suất có thể được đưa ra ngay sau khi bắt đầu để bù đắp cho sự gia tăng nhập khẩu.

Doanh nghiệp cần hợp tác, liên kết các bên trong quá trình ứng phó vụ việc điều tra PVTM. Cụ thể, thường xuyên trao đổi với Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương, cơ quan đại diện cho Chính phủ chịu trách nhiệm xử lý các vấn đề PVTM về khó khăn, cần sự tư vấn và cập nhật tình hình để có những cuộc trao đổi, tham vấn cần thiết với cơ quan điều tra của EU, giúp doanh nghiệp bảo vệ quyền lợi chính đáng.

Đồng thời phối hợp, liên kết với các doanh nghiệp có cùng mặt hàng xuất khẩu để có chương trình, kế hoạch đối phó chung với các vụ kiện có thể xảy ra.

“Trong trường hợp cần thiết, nên kết hợp với chuyên gia tư vấn và luật sư, những đơn vị có kinh nghiệm tham gia các vụ kiện tại EU và quốc tế, để được tư vấn”, Cục PVTM khuyến cáo.

 Phạm Lương Bằng, Phạm Duy Linh, Nguyễn Hồng Hạnh, Hà Ngọc Dũng