Trong giai đoạn chuyển tiếp khi Vương quốc Anh rời khỏi EU, tất cả các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ mà nước này duy trì sẽ trải qua quá trình xem xét chuyển đổi trên toàn lãnh thổ do Cục Điều tra biện pháp thương mại (TRID) dẫn đầu.

Theo đó, sẽ đánh giá biện pháp được duy trì có phù hợp với thị trường Vương quốc Anh hay không và liệu nó có nên được thay đổi hoặc chấm dứt? Trước ngày hết hạn của các biện pháp được duy trì, TRID sẽ ban hành thông báo khởi xướng để chính thức bắt đầu xem xét chuyển tiếp biện pháp.

Về các biện pháp tự vệ, Vương quốc Anh duy trì các biện pháp tự vệ của EU. Chẳng hạn, các biện pháp tự vệ thép, EU áp dụng biện pháp bảo vệ thép đối với một số sản phẩm thép từ tất cả các quốc gia. Bộ Thương mại quốc tế Vương quốc Anh (DIT) đã xác định 19 loại sản phẩm được áp dụng biện pháp tự vệ hiện tại của EU, nơi có sản xuất của Vương quốc Anh.

Để cung cấp tính liên tục cho các nhà sản xuất, biện pháp này sẽ được chuyển đổi cho 19 loại sản phẩm vào cuối giai đoạn chuyển tiếp. Biện pháp này có hình thức hạn ngạch thuế quan (TRQ). Đây là một loại thuế, trong đó, hàng hóa đến một số lượng quy định phải chịu thuế nhập khẩu thấp hơn so với hàng hóa ngoài hạn ngạch ở một khoảng thời gian nhất định. Khi vượt quá hạn ngạch, thuế nhập khẩu cao hơn sẽ được áp dụng.

Thép Việt vẫn luôn là sản phẩm thuộc đối tượng điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ.

Các biện pháp TRQ cụ thể của Vương quốc Anh đã được tính toán lại cho mỗi trong số 19 loại sản phẩm sử dụng cùng một phương pháp được sử dụng bởi Ủy ban châu Âu (EC). Nhìn chung, để bảo đảm các biện pháp tự vệ đã chuyển đổi có hiệu quả, đặc biệt đối với Vương quốc Anh từ ngày đầu tiên áp dụng chính sách thương mại độc lập, DIT cũng thu thập thông tin liên quan đến các luồng thương mại lịch sử đối với các sản phẩm thép từ năm 2015 - 2017 theo biện pháp này để cho phép tính toán lại hạn ngạch thuế quan (TRQs).

Kết thúc giai đoạn chuyển tiếp, kể từ khi Vương quốc Anh chính thức rời EU vào cuối tháng 1/2020, các cuộc điều tra về biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) đã được thực hiện bởi chính DIT, thông qua TRID. Các chức năng này bây giờ sẽ được chuyển sang Cơ quan PVTM Vương quốc Anh (TRA). Trên thực tế, bất chấp việc chuyển giao trách nhiệm từ TRID sang TRA, phần lớn sẽ vẫn giữ nguyên. Các cuộc điều tra đang diễn ra sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi.

Trong trường hợp doanh nghiệp không hợp tác, Cơ quan điều tra Vương quốc Anh sẽ sử dụng dữ liệu sẵn có để đưa ra kết luận. Thông thường, mức thuế PVTM đối với các doanh nghiệp không hợp tác sẽ rất cao, đến mức doanh nghiệp buộc phải từ bỏ thị trường. Mặt khác, để ứng phó với một vụ việc điều tra PVTM, doanh nghiệp sẽ phải sắp xếp bố trí nguồn lực cần thiết. Bên cạnh đó, việc theo sát quá trình điều tra thường kéo dài 1 năm, cần nguồn nhân lực thường xuyên và phụ trách xuyên suốt. Vì vậy, doanh nghiệp cần cân nhắc đánh giá về các khả năng và so sánh lợi ích để quyết định tham gia hoặc không tham gia ứng phó với vụ việc điều tra của Vương quốc Anh.

Việt Nam là một trong 4 nước ở Châu Á thường chịu ảnh hưởng bởi biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) do các nước áp đặt. Do vậy, bên cạnh việc nâng cao khả năng ứng phó với việc bị áp đặt PVTM, thì Việt Nam cũng cần sử dụng hiệu quả cung cụ PVTM để bảo vệ ngành sản xuất ở trong nước.

Nâng cao hiệu quả sử dụng công cụ PVTM ở Việt Nam là câu chuyện có ý nghĩa thiết thực đối với sự phát triển và tương lai của nhiều ngành sản xuất của Việt Nam trong bối cảnh chúng ta đang hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới. Trong đó, việc nâng cao hiểu biết, kỹ năng của doanh nghiệp từ đó tăng cường hiệu quả sử dụng các công cụ PVTM được phép và hợp pháp trong khuôn khổ WTO, để đối phó với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh hoặc gây thiệt hại từ hàng hóa nước ngoài là đặc biệt quan trọng.

Việc nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp thuộc những nhóm ngành hàng thường xuyên là đối tượng điều tra PVTM như các mặt hàng thép, thủy sản, gỗ... đã được nâng cao. Đã có những doanh nghiệp đã coi việc điều tra PVTM là một hoạt động bình thường trong thương mại quốc tế, do đó một số doanh nghiệp lớn đã xây dựng phòng ban, đội ngũ nhân sự chuyên môn hóa cho việc xử lý các vụ việc PVTM. 

Hiện Bộ Công Thương đang xây dựng và triển khai hệ thống cảnh báo sớm nguy cơ hàng hóa bị điều tra PVTM và nguy cơ hàng hóa bị điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM. Việc theo dõi các cảnh báo từ Bộ Công Thương và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh xuất khẩu phù hợp sẽ giúp doanh nghiệp giảm tác động tiêu cực khi bị áp dụng biện pháp.

Riêng với thị trường Vương quốc Anh, Đại diện Cục phòng vệ thương mại lưu ý, doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này cần thường xuyên theo dõi và đánh giá các khuyến cáo cảnh báo sớm đối với hàng hóa có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại. Ngoài ra, doanh nghiệp cần đánh giá quy mô và lợi ích thị trường để đưa ra phương án ứng phó phù hợp. Việc doanh nghiệp có hợp tác trong quá trình điều tra hay không sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả điều tra”.

Bảo Phùng, Công Sáng, Lê Thúy