Nhiều công nghệ và giải pháp mới được giới thiệu

MTA Hanoi 2022 có sự tham gia của các doanh nghiệp đến từ hơn 18 quốc gia, vùng lãnh thổ đến từ các quốc gia phát triển như: Đức, Anh, Áo, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, Israel, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam và gần 100 gian hàng với tổng diện tích trưng bày trên 5000 m2.

Năm nay, MTA Hanoi 2022 giới thiệu đến cộng đồng sản xuất - chế tạo hàng loạt các công nghệ và giải pháp tiên tiến. Bên cạnh đó, triển lãm sẽ tiếp tục mang đến các hoạt động bên lề bổ ích, tối ưu hóa trải nghiệm của doanh nghiệp và khách tham dự. Điểm nhấn là chuỗi hội thảo hướng tới Sản xuất thông minh cũng như Công nghệ in và Kỹ thuật số sẽ được các chuyên gia đầu ngành chia sẻ trong 3 ngày với 3 phiên hội thảo.

Triển lãm MTA Hanoi 2022 có gần 100 gian hàng với sự tham gia của các doanh nghiệp đến từ hơn 18 quốc gia, vùng lãnh thổ. (Ảnh: Hoàng Hiệp)

Thay mặt Ban tổ chức, bà Nguyễn Thị Ngọc Dung (Sally Nguyễn) cho rằng, kể từ sự kiện MTA Hà Nội 2019, những năm đại dịch đi qua với nhiều khó khăn trở ngại cho các ngành nghề kinh tế. Hy vọng tuần lễ công nghệ chế tạo này sẽ góp phần tạo nên khởi đầu mới cho một kỷ nguyên vàng về tăng trưởng công nghiệp Việt Nam nói chung, miền Bắc nói riêng trong thời gian tới. 

Những thách thức trước mắt về nguồn nhân lực cũng thúc  đẩy quy trình tự động hóa tại nhà máy nhiều hơn. Việt Nam giữ vị trí không thể thiếu trong hoạch định chuỗi cung ứng toàn cầu - đóng góp đáng kể vào dự báo tăng trưởng GDP khả thi của Việt Nam trong năm nay và năm 2023, trong đó IMF dự kiến ở mức 7,2% - rất ấn tượng trong bối cảnh lạm phát ngược chiều. 

Việc áp dụng sản xuất thông minh vào dây chuyền sản xuất giúp các nhà máy nâng cao năng lực sản xuất một cách rõ rệt. Đây được xem là lợi ích hàng đầu và rõ nét nhất của bất kỳ một nhà máy nào khi ứng dụng tự động hóa, cũng là một cách tối đa hóa năng suất làm việc với các nguồn lực con người được kết nối.

Cùng với đó, có thể giúp doanh nghiệp đạt được tính bền vững với phương pháp sản xuất hiệu quả: Giảm hàng tồn kho, giảm mức tiêu thụ năng lượng và giảm bớt các yêu cầu vận chuyển,...

Dạo qua các gian hàng tại triển lãm, đại diện các doanh nghiệp đều cho biết, đây là cơ hội kết nối, tìm hiểu bạn hàng, đặc biệt quan trọng sau đại dịch để phát triển sản xuất, kinh doanh. 

Trưởng Phòng Kinh doanh Công ty CP Tập đoàn Việt Nam Auto Solutions (VNAS) Nguyễn Ngọc Tú cho biết, thông qua triển lãm doanh nghiệp sẽ có thêm cơ hội để mở rộng phát triển với những đơn hàng mới. Bởi, đón đầu xu thế tự động hoá, nhất là đối với ngành sản xuất phụ trợ ô tô, xe máy điện ở Việt Nam.

VNAS hướng đến là đơn vị chuyên cung cấp các giải pháp tự động hoá robot trong sản xuất với các ứng dụng hàn, cắt kim loại, bốc xếp, thay thế, hỗ trợ con người. Với lợi thế ổn định chất lượng, tiết kiệm thời gian, nâng cao sản lượng và linh hoạt, hướng đến tích hợp nhà máy thông minh 4.0. 

Robot hàn tự động của VNAS được mang đến Triển lãm. (Ảnh: Hoàng Hiệp)

“Ứng dụng hàn dùng robot thay thế cho con người để cắt giảm chi phí nhân công - thứ mà sau dịch càng ngày càng hiếm, đắt đỏ lên. Ví dụ như về một trạm hàn tiêu chuẩn, nếu như trước để vận hành cần 3 người; một người để cấp đầu vào, một người để hàn, một người để cấp ra. Với công nghệ tự động, robot có thể làm công việc của cả 3 người” – ông Nguyễn Ngọc Tú chia sẻ.

Đồng thời, ông Tú khẳng định, việc áp dụng công nghệ robot vào trong sản xuất tự động sẽ giúp dây chuyền ổn định hơn, năng suất tăng. Ứng dụng trong ngành sản xuất ô tô là rất rõ ràng, điều này giúp các doanh nghiệp ô tô đang vào Việt Nam rất nhiều. Các trạm hàn tự động của VNAS đang ứng dụng rất nhiều trong xe ô tô Vinfast về khung gầm, đơn cử như các dòng xe của VinFast Lux A, Lux SA,... Đặc biệt trong ngành sản xuất ô tô điện thì VNAS sẽ là bên đón đầu thị trường.

Cần thêm chính sách cụ thể để phát triển

Nhận định về sự phát triển của ngành Cơ khí Việt Nam trong những năm qua, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam Đào Phan Long cho rằng, Việt Nam hiện sau thời gian mấy chục năm đổi  mới, sự phát triển kinh tế nói chung đã có bước tiến tốt. Đại dịch cũng thử thách nền kinh tế nói chung, nền công nghiệp nói riêng. 

Vừa qua, Hội nghị T.Ư 6 đã nhấn mạnh 5 mục tiêu quan trọng để phát triển đất nước đến 2045. Trong đó, tiến trình công nghiệp hóa càng được đẩy mạnh hơn. Thời cơ để ngành cơ khí phát triển là điều tất yếu sẽ đến. 

Với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội, ông Đào Phan Long nhận định, trong ngành cơ khí chế tạo, Việt Nam hiện có 2 khối doanh nghiệp. Một là khối doanh nghiệp cơ khí nội địa là chủ đầu tư, chủ doanh nghiệp Việt Nam. Khối thứ hai là FDI, đầu tư nước ngoài, hoặc 100% vốn hoặc liên doanh.

“Nói đến cơ khí, sản xuất kinh doanh cơ khí, với quốc gia muốn xây dựng đất nước trở thành nước công nghiệp không thể thiếu sự phát triển của công nghiệp cơ khí. Sản phẩm cơ khí có mặt rộng khắp đời sống dân sinh cũng như trong sản xuất kinh doanh” – vị này nói.

Do đó, ngành chế tạo máy công cụ là máy cái, máy gia công kim loại để hình thành công cụ cho các ngành khác. Tại Triển lãm này, hàng chục quốc gia đã cử đại điện đến tham gia. Đây là cơ hội tốt để giúp doanh nghiệp Việt có thể tiếp cận công nghệ mới.

Cũng theo ông Đào Phan Long, thời gian qua, 15 năm ngành cơ khí Việt Nam chậm phát triển hơn rất nhiều nước trong khu vực. Việc đổi mới trang thiết bị công nghệ không phải một sớm một chiều, phải có tiền, công nghệ, chính sách…  

Để cơ khí phát triển ngoài nỗ lực của chủ doanh nghiệp, phải có hệ thống chính sách đồng bộ. Đã đến lúc những người làm chính sách, quy hoạch, lộ trình rõ ràng để phát triển ngành công nghiệp cơ khí. Việt Nam trải dài từ Bắc vào Nam, con đường hình thành các trung tâm kinh tế, sản xuất công nghiệp nói chung, cơ khí nói riêng là rất cần thiết.

"Thời gian tới, doanh nghiệp Việt Nam với chiến lược của mình kết hợp chính sách của Nhà nước sẽ phải cố gắng rất nhiều mới có thể phát triển cơ khí đất nước. Nếu có chính sách đúng của Nhà nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam phát triển công nghiệp cơ khí thành công” - ông Đào Phan Long nhấn mạnh.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn ngành công nghiệp 9 tháng năm 2022 ước tính tăng 8,06% so với cùng kỳ năm trước (9 tháng năm 2021 tăng 32,6%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo vươn lên, đạt mức tăng 17,99%, cao nhất trong các năm 2017-2022.

Dự báo sơ bộ cho thấy, tổng nhu cầu thị trường cơ khí của Việt Nam từ nay đến năm 2030 có thể đạt hơn 300 tỷ USD. Với khoảng 25.000 doanh nghiệp cơ khí đang hoạt động, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam.

Hoàng Hiệp