CTCP Tập đoàn Gelex (GEX) vừa công bố 3 quyết nghị về việc mua lại trước hạn phần còn lại, hoặc một phần của 4 lô trái phiếu doanh nghiệp phát hành từ năm 2020-2021, với tổng giá trị gần 473 tỷ đồng.

Cụ thể, Gelex dự kiến ngày 23/12 sẽ mua lại trước hạn 2.000 trái phiếu GEXH2124002 (theo mệnh giá 100 triệu đồng/ trái phiếu) với tổng giá trị 200 tỷ đồng, trong tổng số 1.000 tỷ đồng giá trị trái phiếu (theo mệnh giá) đang lưu hành. Lô trái phiếu này phát hành ngày 23/12/2021 và đáo hạn ngày 23/12/2024, lãi suất cố định 8,5%/năm.

Như vậy, nếu mua thành công, lô trái phiếu GEXH2124002 sẽ còn lại 800 tỷ đồng.

Gelex cũng dự kiến mua lại toàn bộ phần còn lại của 3 lô trái phiếu khác, với trị giá còn lại tương ứng 64,8 tỷ đồng, 130,3 tỷ đồng và 77,7 tỷ đồng vào cuối tháng 11 và đầu tháng 12/2022. Các lô trái phiếu này phát hành năm 2020 và đáo hạn trong năm 2023.

Tổng cộng, với 3 nghị quyết, Tập đoàn Gelex của CEO Nguyễn Văn Tuấn sẽ mua lại trước hạn 472,8 tỷ đồng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.

Một trong các nghị quyết mua lại trái phiếu của Gelex. (Nguồn: GEX)

Trước đó, Gelex của ông Nguyễn Văn Tuấn trong vài tháng đã mua lại trước hạn tổng cộng khoảng hơn 1.600 tỷ đồng giá trị trái phiếu doanh nghiệp.

Gần đây, hàng loạt doanh nghiệp chạy đua mua lại trước hạn và tái cấu trúc dư nợ trái phiếu doanh nghiệp sau sự cố Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát.

Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng - DIC Corp. (DIG) của ông Nguyễn Thiện Tuấn hôm 17/11 công bố đã hoàn tất việc mua lại trước hạn 1.600 tỷ đồng hai lô trái phiếu doanh nghiệp phát hành năm 2021 và đáo hạn năm 2024. Hai lô trái phiếu có tổng giá trị 2.500 tỷ đồng. Do vậy, DIC Corp. vẫn còn nợ các trái chủ 900 tỷ đồng.

Trước đó, nhiều doanh nghiệp cũng đã mua lại trước hạn trái phiếu như: HAGL, Cơ điện lạnh (REE), Chứng khoán Tân Việt (TVSI), Hưng Thịnh Land, Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS),...

Theo Bộ Tài chính, từ đầu năm đến giữa tháng 11, các doanh nghiệp đã thực hiện mua lại 152.500 tỷ đồng, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2021.

Cổ phiếu Gelex giảm mạnh trong năm qua. (Nguồn: TradingView)

Một trong những nội dung quan trọng của Nghị định 65 (thay thế Nghị định 153) là: doanh nghiệp phải mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn bắt buộc khi vi phạm phương án phát hành (trong đó có phương án sử dụng vốn) hoặc vi phạm pháp luật.

Gelex là doanh nghiệp nổi lên trong vài năm gần đây sau nhiều vụ thâu tóm các thương hiệu nổi tiếng trong lĩnh vực dây và cấp điện, thiết bị điện và mở rộng thêm sang các ngành nghề kinh doanh tiềm năng khác, trong đó có hạ tầng, logistics, bất động sản và đầu tư thông qua M&A.

Sau 5 năm tái cấu trúc (M&A, thoái vốn, sắp xếp các đơn vị thành viên), GEX đã trở thành tập đoàn tư nhân đa ngành theo mô hình holdings. Gelex gần đây lấn sang lĩnh vực mới: điện gió với mục tiêu sở hữu các nhà máy phát điện với tổng công suất 500 MW vào năm 2025.

Đi đôi với các thương vụ M&A, Gelex ghi nhận tổng tài sản và nợ tăng mạnh.