Theo phân tích của Frost & Sullivan, năm 2014 tổng doanh thu mobile của khu vực Đông Nam Á đạt 1 tỷ USD, kèm theo đó, tốc độ tăng trưởng đã tăng đột biến lên tới 48% và chưa hề có dấu hiệu chững lại. Họ dự đoán, từ năm 2015 cho đến năm 2019 tốc độ tăng trưởng của ngành game mobile trong khu vực này sẽ tăng lên gấp đôi, đồng nghĩa với việc khu vực này có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn so với bất kỳ khu vực nào trên thế giới (mặc dù chỉ có 600 triệu dân).

Singapore và Malaysia sẽ là hai đại diện tiên phong trong khu vực Đông Nam Á bởi tốc độ mở rộng băng thông mạng và lượng người dùng smartphone ở hai quốc gia có xu hướng vươn lên mạnh mẽ, bên cạnh đó, sự trợ giúp từ các phương tiện truyền thông xã hội cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển này. Tuy nhiên, ở một số quốc gia như Lào, Campuchia hay Myanmar thì tốc độ phát triển của họ vẫn thuộc diện 'tăng trưởng chậm'.

Frost & Sullivan cho hay, điện thoại di động và máy tính bảng sẽ là hai khuynh hướng phát triển chủ đạo từ giờ cho tới năm 2019. Lấy ví dụ như Thái Lan, hơn 50% ở đất nước này đang sử dụng điện thoại di động, và mặc dù thị phần máy tính bảng có phần lép vế hơn nhưng doanh thu trung bình của nó lại cao hơn 4,2 lần so với doanh thu smartphone.

Ở một số quốc gia, điện thoại Android đang chi phối hoàn toàn thị trường smartphone và tình trạng này có thể còn kéo dài. Đặc biệt là Trung Quốc, điện thoại Android là một trong những mặt hàng bán chạy nhất bởi mẫu mã đa dạng, giá cả phải chăng, phù hợp với túi tiền của mọi tầng lớp. Song, điều này cũng gây khó dễ cho các nhà phát triển game bởi không phải điện thoại Android nào cũng có thể nâng cấp lên phiên bản cao hơn để chơi game. Ví dụ như ở Indonesia với 6% người dùng Google Play là đang sử dụng phiên bản Android 2.3 (được cho là một trong những phiên bản Android phổ biến nhất trong lịch sử hệ điều hành này). Mặc dù vậy, cũng may Android là một nền tảng ít bị phân mảnh thế cho nên áp lực đè lên các nhà phát triển cũng đỡ được phần nào.

Mặc dù vậy, cổng thanh toán vẫn là một vấn đề khá bức thiết ở Đông Nam Á. Hầu hết, mọi người rất ít sử dụng thẻ tín dụng và dịch vụ thanh toán trước của Apple lẫn Google lại chưa được phổ biến cho lắm. Thế cho nên, hiện tại thông dụng nhất vẫn là giải pháp thanh toán điện tử của Bitcoin.

Các ứng dụng trò chuyện trên smartphone (OTT) đang ngày càng được người dùng ưa chuộng, như Line ở Thái Lan, Whatsapp ở Singapore, Malaysia, Philippines và BBM (đối với dòng Blackberry) ở Indonesia, Việt Nam cũng có riêng một ứng dụng trò chuyện 'cây nhà lá vườn' là Zalo. Chính những chat apps này đã trở thành một kênh tuyên truyền rất hữu hiệu đối với toàn bộ ngành game nói chung. Các kênh truyền thông xã hội như Facebook cũng có vai trò tương tự nhưng hầu hết game thủ Đông Nam Á lại thường chơi các trò chơi phổ biến ở phương Tây như Clash of Clans của Supercell hay Let's get Rich của Line.

T.B (GameSao.vn)