Muốn đổi mới giáo dục thành công, thì ngay từ trường sư phạm, chúng ta phải đào tạo cho được một đội ngũ thầy cô giáo có thể đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Muốn có trò giỏi phải có thầy giỏi

Có một nguyên tắc vàng không bao giờ thay đổi trong giáo dục, nói như GS.TSKH Phùng Hồ Hải là “Muốn có trò giỏi thì phải có thầy giỏi, muốn có thầy giỏi thì thầy của thầy phải giỏi”.

Trong một thế giới phẳng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin như hiện nay, học sinh có thể học tập từ nhiều nguồn khác nhau. Việc dạy học trong nhà trường cũng được trang bị rất nhiều phương tiện hiện đại. Thế nhưng tất cả những điều đó chỉ có tác dụng hỗ trợ, giúp việc dạy và học hiệu quả hơn, chứ không thể thay thế vai trò của người thầy.

 Người thầy vẫn luôn luôn là nhân tố chính quyết định sự thành công hay thất bại của một quá trình giáo dục, bởi họ là người trực tiếp giảng dạy, trực tiếp thực hiện mọi chính sách, chiến lược về giáo dục của quốc gia. Vì lẽ đó, muốn xây dựng một nền giáo dục tiến bộ, thì một trong những khâu quan trọng nhất là phải xây dựng được đội ngũ thầy cô giáo giỏi, giàu tâm huyết, đủ sức đảm đương sứ mệnh trồng người.

Ngay từ trường sư phạm, chúng ta phải nghiêm cẩn tuyển lựa, rèn luyện, đào tạo được những sinh viên có trình độ cao, có nhân cách trong sáng để có thể  dần dần bổ sung, thay thế những thầy cô giáo chưa đáp ứng được yêu cầu. Cũng ngay từ trường sư phạm, người thầy tương lai phải được trang bị bài bản mọi kiến thức, kĩ năng cần thiết để có thể đáp ứng được yêu cầu giáo dục ở phổ thông. 

{keywords}
Muốn đổi mới GD phổ thông, phải đổi mới trong trường sư phạm. Ảnh minh họa: Văn Chung

Đổi mới thế nào khi trường sư phạm “nguyễn y vân”?

Thế nhưng trong khi những năm qua, nền giáo dục phổ thông đang hướng tới nhiều thay đổi mạnh mẽ, vai trò của các trường sư phạm dường như vẫn rất mờ nhạt. Chương trình phổ thông thay đổi nhiều trong khi chương trình đại học thì không thay đổi bao nhiêu. Vậy những sinh viên sư phạm sau này trở thành giáo viên phổ thông sao tránh khỏi bỡ ngỡ, sao đảm đương tốt việc dạy và học?

Trong lần thay đổi chương trình và SGK gần đây nhất, Bộ Giáo dục tổ chức tập huấn, bồi dưỡng giáo viên theo kiểu bộ bồi dưỡng cho sở, sở bồi dưỡng cho trường, trường bồi dưỡng cho giáo viên. Cách bồi dưỡng ngắn hạn trong một vài ngày như vậy hiệu quả sẽ rất thấp. Mục tiêu đổi mới từ Bộ giáo dục xuống đến từng giáo viên xem ra đã thay đổi rất nhiều. Giữa lý thuyết và thực tế là một khoảng cách quá xa.

Còn nhớ lần đổi mới trước trong bộ môn Ngữ văn, Bộ chủ trương thay đổi từ giờ “giảng văn” thành giờ “đọc - hiểu văn bản”. Sự thay đổi này có thể giúp tạo chuyển biến từ dạy văn theo kiểu thầy giảng trò chép, khi kiểm tra “trả lại” nguyên chữ thầy, thành cách dạy sinh động, phát huy vai trò người học. Khi ấy, thầy chỉ là người hướng dẫn, khơi gợi, còn học sinh phải tự mình đọc – hiểu một văn bản.

Mục đích đặt ra rất hay nhưng thực tế thực hiện thì hiệu quả chẳng bao nhiêu. Từng trực tiếp dự nhiều giờ Ngữ văn ở phổ thông, tôi nhận thấy rất nhiều trường hợp sự đổi mới trên chỉ được thể hiện bằng… tiêu đề ghi trên bảng. Thay vì “giảng văn” thì viết thành “đọc văn”, còn lại mọi khâu, thầy cô giáo vẫn say sưa giảng theo kiểu áp đặt cách hiểu cho học sinh với một kịch bản dường như đã lập trình sẵn.

Hay gần đây, bộ giáo dục bắt đầu đưa vào thực hiện dạy học tích hợp liên môn. Vậy nhưng, ở phổ thông chủ trương dạy học liên môn, trong khi ở các trường sư phạm, sinh viên vẫn được đào tạo  theo kiểu cũ, thì làm sao sau này họ đảm đương được việc dạy học đổi mới.

Nói thế để thấy rằng, việc đổi mới giáo dục là cực kì khó khăn, không thể thực hiện một cách chắp vá, vội vàng mà phải có một chiến lược lâu dài. Mọi yêu cầu về đổi mới giáo dục phải được trang bị cho sinh viên ngay từ trường sư phạm. Riêng đối với đội ngũ thầy cô giáo hiện tại cũng phải có kế hoạch bồi dưỡng bài bản, nghiêm túc, dài hạn chứ không thể làm như những lần trước.

Chiến lược quan trọng nhất của giáo dục luôn luôn là chiến lược con người. Muốn đổi mới giáo dục thành công, thì ngay từ trường sư phạm, chúng ta phải chú trọng việc đào tạo cho được một đội ngũ thầy cô giáo có thể đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Hồ Tấn Nguyên Minh

(Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, Phú Yên)