Chia sẻ tại talkshow “Khơi thông dòng vốn trên thị trường chứng khoán”, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (KBC) cho biết, năm nay, KBC được chuyển đổi đất rất nhanh, được Chính phủ và các địa phương hỗ trợ nhiều. Việc cấp sổ đỏ nhanh hơn, dự án nhanh hơn… giúp doanh nghiệp rất nhiều.

Theo ông Đặng Thành Tâm, KBC lấy theo giá thành từ 10 năm trước và xây dựng cơ sở hạ tầng bất động sản công nghiệp cho nên doanh nghiệp có lợi thế với giá cho thuê thấp. Ông tự nhận thấy may mắn khi được sự hỗ trợ từ các địa phương, giúp việc chuyển đổi đất rất nhanh.

Theo “ông trùm” ngành bất động sản công nghiệp, ở Bắc Giang, KBC đã chuyển đổi đất nhà ở, may mắn là tỉnh hỗ trợ nên có thể bàn giao được cho nhà đầu tư. Nhà đầu tư thường thuê đất từ 50 - 100 ha nên từ đầu năm nay KBC có dòng tiền rất lớn.

Tuy nhiên, ông Tâm cũng cho biết, khi kinh doanh phải tính đường dài. Về phía mình, KBC đã chuẩn bị các quỹ đất để sẵn sàng hoạt động trong suốt 10 năm. KBC lấy theo giá thành từ 10 năm trước và xây dựng cơ sở hạ tầng nên có lợi thế cho thuê với giá thấp. KBC đã đón được nhiều tập đoàn lớn như Apple.

Cũng theo ông Tâm, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam vẫn đổ vào đều đặn, giảm không nhiều so với lĩnh vực khác, nhờ chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Chính phủ Việt Nam rất tốt. Và đây là tín hiệu đáng mừng.

Doanh nghiệp KBC của ông Đặng Thành Tâm ghi nhận nhiều dấu hiệu tích cực. (Ảnh: Hoàng Hà)

Dù vậy, Việt Nam đang đối mặt với vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu (từ năm 2024). Các doanh  nghiệp bất động sản công nghiệp, trong đó có KBC, gần đây đã tham gia xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân để tăng cường cam kết với các tập đoàn nước ngoài.

Ông Tâm cho biết, đơn cử như Apple, ngay khi vào Việt Nam, tập đoàn này mong muốn phải bảo đảm nơi ăn chốn ở cho công nhân để đảm bảo sản xuất. Khi đó chưa có, doanh nghiệp cam kết 1-2 năm sau có. Khi đối tác nước ngoài yêu cầu, nếu mình đáp ứng được thì phải làm.

Gần đây, KBC cho thuê đất khu công nghiệp với giá cao hơn (gấp 1,5-2 lần) và đang nhắm vào lĩnh vực công nghệ cao như sản xuất chip.

Kỳ vọng kinh tế khởi sắc

Đánh giá về tình hình thế giới, ông Tâm cho rằng, kinh tế vẫn xấu chưa biết khi nào khởi sắc. Tại Việt Nam, tăng trưởng quý I thấp nhưng sang quý II, Chính phủ đã nỗ lực chỉ đạo, đưa ra rất nhiều chính sách, quyết định thành lập uỷ ban ở các tỉnh thành nên tốc độ phê duyệt dự án nhanh, như tại TP.HCM.

Chủ tịch KBC cho rằng, ở vào thời điểm này, nền kinh tế Mỹ đã khởi sắc hơn, trong khi đó, Trung Quốc cũng đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Tuy nhiên, châu Âu vẫn khó.

Nền kinh tế Việt Nam được đánh giá cũng khởi sắc hơn khi mà Chính phủ có kế hoạch phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội từ nay đến năm 2030. Đầu tư công cũng đang được đẩy mạnh. Những chính sách này sẽ giúp kích cầu cho nền kinh tế và tháo gỡ tốt cho bất động sản.

Trong khi đó, lãi suất đang được Ngân hàng Nhà nước điều hành theo hướng giảm xuống nhanh chóng. Khi lãi giảm thì các khoản nợ xấu sẽ giảm và thị trường tài chính sẽ ổn định hơn.

Hiện tượng KBC mua lại trước hạn bất thành trái phiếu doanh nghiệp hồi tháng 5 cũng là tín hiệu tốt cho thị trường trái phiếu và cộng đồng doanh nghiệp. Nó cho thấy một số doanh nghiệp có tiềm lực tài chính vững mạnh và dư dả dòng tiền. Niềm tin trên thị trường trái phiếu bắt đầu hồi phục sau một năm khủng hoảng.

Bên cạnh đó, NHNN đang có dự thỏa sửa đổi Thông tin 41 quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với những chính sách tích cực dần lộ diện. Một số điểm đáng lưu ý là việc tính lại hệ số rủi ro tín dụng cho bất động sản khu công nghiệp (không dùng chung mức của bất động sản). NHNN cũng dự thảo thay đổi hệ số rủi ro áp dụng đối với các vay mua nhà ở xã hội. Thay đổi chính sách theo hướng khuyến khích hệ thống cho vay đối với 2 lĩnh vực này.

Ở chiều ngược lại, trong một báo cáo gần đây, Chứng khoán VNDirect cho rằng, các yếu tố tích cực hỗ trợ với ngành bất động sản khu công nghiệp đang mờ nhạt khi nguồn cung khan hiếm.

Khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút vốn FDI đang dần suy yếu so với các quốc gia khác trong khu vực như Indonesia, Malaysia. Hơn thế, thuế tối thiểu toàn cầu sẽ sớm được áp dụng trong năm 2024 có thể khiến cho lợi thế về ưu đãi thuế biến mất.