KBC mua lại trái phiếu bất thành
Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (KBC) do ông Đặng Thành Tâm làm Chủ tịch vừa công bố kết quả mua lại trước hạn trái phiếu phát hành ra công chúng (mã KBC121020). Lô trái phiếu có tổng giá trị là 1.500 tỷ đồng, kỳ hạn 2 năm. Ngày phát hành là 24/6/2021, đáo hạn 24/6.
Theo KBC, trong khoảng thời gian từ 11-15/5, doanh nghiệp chỉ mua lại được 3,43 triệu trái phiếu, trong tổng số 7,5 triệu trái phiếu (tương đương 750 tỷ đồng) chào mua lại trước hạn.
Đầu năm 2023, KBC có tổng dư nợ trái phiếu 3.900 tỷ đồng. Trong quý I/2023, doanh nghiệp này đã trả nợ đúng hạn và mua lại trước hạn trái phiếu riêng lẻ trị giá 2.400 tỷ đồng. Như vậy, sau khi mua lại trước hạn 343 tỷ đồng, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp mà KBC còn lại là hơn 1.157 tỷ đồng.
Trước đó, đầu tháng 4, KBC thông báo đã thu xếp được nguồn vốn và muốn mua lại hoàn toàn các khoản nợ trái phiếu.
Tuy nhiên, mong muốn “sạch” nợ trái phiếu của KBC có lẽ chưa thể thực hiện được trong bối cảnh trái chủ không đồng ý bán lại.
Đây là một tín hiệu ngược chiều trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trái với tình trạng nhiều trái chủ nóng lòng muốn thu tiền về trong bối cảnh nhiều đơn vị tiếp tục chưa/chậm thanh toán lãi và gốc trái phiếu trong thời gian vừa qua.
Một số doanh nghiệp như Bất động sản Phát Đạt (PDR), Novland (NVL), Thái Tuấn… tiếp tục lùi lịch đáo hạn và nâng lãi suất trái phiếu.
KBC duy trì được hoạt động kinh doanh khá tốt, thị trường trái phiếu ổn định hơn sau các chính sách hỗ trợ và lãi suất tiền gửi trên hệ thống ngân hàng đang trong xu hướng giảm.
Ngày 25/5, Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành lần thứ 3 liên tiếp trong chưa đầy 3 tháng qua. Lãi suất tiền gửi vào ngân hàng với kỳ hạn 1-6 tháng đã giảm rất nhanh, xuống chỉ còn 5%/năm, tương đương với mức ở thời kỳ đại dịch Covid-19.
Trong khi đó, lãi suất trái phiếu doanh nghiệp của một số tổ chức ở mức khá hấp dẫn, hầu hết trên 10%. Sự ổn định trong hoạt động kinh doanh và dòng tiền đều đặn khiến trái phiếu của các công ty này hấp dẫn.
Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu vẫn được xem là một kênh hút vốn quan trọng của nền kinh tế và được bảo vệ để phát triển mạnh trong thời gian tới.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp bớt u ám
Tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức hôm qua, trái phiếu doanh nghiệp được đánh giá là một kênh hút vốn quan trọng để phát triển đất nước.
PGS.TS. Vũ Minh Khương, Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu cho rằng, nhìn những quốc gia đã tạo ra sự phát triển thần kỳ thì thị trường trái phiếu có vai trò rất quan trọng, chiếm quy mô đến 100% của GDP, trong đó khoảng 50% của doanh nghiệp và 50% của Chính phủ.
Theo TS. Khương, việc đầu tư vào những cái tạo ra giá trị thì không tiếc. Khi một đồng được đầu tư vào những thứ chuẩn xác, đúng hướng sẽ tạo ra nhiều lời lãi, giúp tăng trưởng rất nhanh, rất thần kỳ.
Theo đó, Việt Nam cần đặc biệt coi trọng vấn đề xây dựng hệ sinh thái trái phiếu lành mạnh.
PGS.TS. Vũ Minh Khương cho rằng, theo kinh nghiệm thế giới, trái phiếu phát hành 3 loại. Một là phải mua bảo hiểm. Khi mua bảo hiểm thì dân rất yên tâm mua, vì bảo hiểm đã kiểm tra rất kỹ trình độ trái phiếu ra sao. Dạng thứ 2 là phát hành trái phiếu nhưng có bảo lãnh. Loại trái phiếu thứ 3 là loại hoàn toàn không có bảo lãnh, không bảo hiểm thì phải ít nhất có 2 công ty đánh giá kinh nghiệm, năng lực, thẩm định để giúp người dân yên tâm.
Mặc dù có những tín hiệu tích cực ban đầu sau những chính sách được tái cơ cấu, giãn nợ… nhưng thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn ảm đạm và áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp 6 tháng cuối năm còn lớn.
Theo Chứng khoán HSC, khối lượng trái phiếu chậm thanh toán có thể đạt 77.400 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm, đỉnh điểm có thể rơi vào tháng 9/2023. Khoảng 110 doanh nghiệp phát hành có nguy cơ không trả được gốc, lãi trái phiếu đúng hạn.