Theo báo cáo của Chính phủ, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nói chung và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, chưa bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả, chưa khai thác hết tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội khu vực.
Với ưu thế năng lực thông hành lớn, tốc độ cao, thuận tiện, an toàn, tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng rút ngắn khoảng cách di chuyển từ Châu Đốc đến cảng Trần Đề khoảng 12 km và thời gian 1,5-2 giờ so với các quốc lộ hiện hữu (Đi theo các tuyến quốc lộ hiện hữu như Quốc lộ 91, 91B).
Điểm đầu dự án giao với Quốc lộ 91, TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang; điểm cuối dự án tại khu vực cảng Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Tổng chiều dài khoảng 188,2 km. Cụ thể, tỉnh An Giang (khoảng 56,7 km), TP. Cần Thơ (khoảng 37,7 km), tỉnh Hậu Giang (khoảng 37,7 km) và tỉnh Sóc Trăng (khoảng 56,1 km).
Trong bối cảnh nguồn lực nhà nước còn khó khăn, để phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn, bảo đảm hiệu quả đầu tư, Chính phủ kiến nghị đầu tư phân kỳ mặt cắt ngang quy mô 4 làn xe (Bnền = 17 m, bố trí làn dừng xe khẩn cấp không liên tục) bảo đảm tốc độ khai thác 80 km/h, toàn bộ các yếu tố hình học, kỹ thuật đáp ứng tiêu chuẩn đường ô tô cao tốc với tốc độ thiết kế 100km/h.
Theo tính toán, nếu đầu tư theo phương thức đối tác công tư, mức vốn góp của nhà nước lên đến 60% tổng mức đầu tư với thời gian thu phí hoàn vốn 30 năm, vượt quá mức tối đa 50% theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Chính phủ kiến nghị áp dụng hình thức đầu tư công. Sau khi hoàn thành, sẽ thu phí để hoàn trả phần vốn ngân sách nhà nước đã bố trí cho dự án.
Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 44.691 tỷ đồng. Chính phủ đã xây dựng một số cơ chế chính sách đặc thù và nếu được áp dụng, dự kiến tiến độ thực hiện dự án như sau: chuẩn bị dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026.
Lương Bằng