Dự án có điểm đầu dự án tại Km0, giao với QL1 tại khoảng Km1829+500, trùng với điểm cuối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (thuộc địa phận xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất, Đồng Nai).

Điểm cuối của dự án tại Km60+100 (qua vị trí giao cắt với QL20 tại khoảng Km69+400, thuộc địa phận xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) kết nối với dự án đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc.

Về quy mô đầu tư, Bộ GTVT cho biết, theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến cao tốc Dầu Giây - Tân Phú có 4 làn xe với bề rộng nền đường 24,75m.

Tuy nhiên, căn cứ nhu cầu vận tải, hiện trạng hệ thống giao thông hiện hữu và khả năng cân đối nguồn lực, để bảo đảm hiệu quả đầu tư, dự án được kiến nghị phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 quy mô 4 làn xe với bề rộng nền đường 17m, vận tốc thiết kế 100km/h.

Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là hơn 8.365 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây dựng hơn 4.962 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng hơn 1.287 tỷ đồng.

Liên quan đến phương án huy động vốn, Bộ GTVT cũng đề xuất nguồn vốn nhà nước hỗ trợ chi phí GPMB và xây dựng dự kiến trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 1.300 tỷ đồng.

Vốn nhà đầu tư huy động (nguồn vốn đầu tư BOT) khoảng hơn 7.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu là hơn 1.413 tỷ đồng (chiếm 20% nguồn vốn đầu tư BOT). Vốn vay thương mại hơn 5.650 tỷ đồng (chiếm 80% nguồn vốn đầu tư BOT).

Với mức phí khởi điểm là 1.700 đồng/km/xe tiêu chuẩn, dự kiến tăng từ 200 - 400 đồng/km/xe tiêu chuẩn sau mỗi 2 năm. Thời gian thu phí hoàn vốn của nhà đầu tư dự kiến 20 năm 3 tháng (sẽ được xác định cụ thể trong bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi và hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư). Hết thời hạn nhà đầu tư chuyển giao công trình cho cơ quan có thẩm quyền quản lý.

Nếu được thông qua, trong năm 2022 Bộ GTVT sẽ chuẩn bị công tác đầu tư dự án. Công tác lựa chọn nhà đầu tư thực hiện năm 2022 - 2023. GPMB, tái định cư triển khai trong năm 2022 - 2023.

Dự án sẽ được thi công và hoàn thành trong giai đoạn 2023 - 2025.

Vũ Điệp