Tỉnh Bình Định vừa triển khai xây dựng, nâng cấp các hệ thống cơ sở dữ liệu số của các ngành, trong đó ưu tiên sử dụng các cơ sở dữ liệu dùng chung. Thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước; phát triển dữ liệu mở của cơ quan nhà nước trên Cổng dữ liệu mở tỉnh Bình Định (https://opendata.binhdinh.gov.vn) tạo điều kiện phát triển kinh tế số, xã hội số.

Đặc biệt, tỉnh đang xây dựng hệ thống Kho dữ liệu số dùng chung của tỉnh, tích hợp đầy đủ các dữ liệu về kinh tế, tài chính, đầu tư, tài nguyên đất, giá, dịch vụ… của các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh để phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của tỉnh. Kết nối, chia sẻ thông tin doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh từ Hệ thống thông tin Đăng ký doanh nghiệp Quốc gia.

anh 1 du lieu.jpeg
Dữ liệu số giúp Bình Định đưa ra những chính sách phù hợp

Theo Phó Giám đốc Sở TT&TT Bình Định Nguyễn Minh Thảo, điển hình như về hệ thống thông tin quản lý đất đai, địa phương tập trung vào quản lý cơ sở dữ liệu không gian, thuộc tính về đất đai, nghiệp vụ về địa chính như: biên tập trích lục, tài liệu đo đạc, chỉnh lý biến động, số địa chính điện tử,...; liên thông với hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh, hệ thống của Tổng cục Thuế. Hay triển khai bệnh án điện tử. Triển khai lắp đặt hệ thống camera tại các điểm du lịch nhằm phục vụ công tác đảm bảo an ninh, trật tự, hỗ trợ du khách; kết nối với trung tâm IOC của tỉnh…

“Hiện tại, địa phương đang thí điểm ở các phân hệ dữ liệu, gồm: Doanh nghiệp – Hợp tác xã; công chức, viên chức; hộ nghèo, cận nghèo; phòng chống thiên tai; hành chính công; vi phạm giao thông… Các sở ngành đang tập trung xây dựng, cập nhập các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Sau đó sẽ tiến đến chia sẻ dữ liệu về kho dữ liệu số.

Chúng tôi đang tập trung thực hiện theo từng giai đoạn theo nghị quyết, kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh đề ra, dự kiến đến 2025 cơ bản hoàn thành để đưa ra kho dữ liệu này”, ông Thảo thông tin thêm.

Minh bạch, thúc đẩy phát triển các dịch vụ số

Sau khi kho dữ liệu số này hình thành sẽ giúp xây dựng phong cách điều hành mới dựa trên dữ liệu thực tế, hỗ trợ cơ quan nhà nước ra quyết định, nâng cao năng lực quản lý, cải thiện chất lượng dịch vụ công phục vụ cho người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó, chia sẻ dữ liệu mở phục vụ người dân, doanh nghiệp khai thác, truy cập, sử dụng, góp phần công khai minh bạch, thúc đẩy phát triển các dịch vụ số.

anh 2 du lieu.jpeg
Các trung tâm dữ liệu của Bình Định đang trong giai đoạn hình thành

Phó Giám đốc Sở TT&TT Bình Định thông tin, trong khi triển khai dữ liệu số, một số khó khăn, vướng mắc bắt đầu xảy ra, căn cứ pháp lý từ việc sử dụng dữ liệu trong cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin chuyên ngành có giá trị chứng minh tương đương với văn bản giấy là chưa đầy đủ, chưa đồng bộ. Vì vậy, nhiều cơ quan nhà nước e ngại việc xây dựng dữ liệu trong cơ sở dữ liệu để thay thế cho văn bản giấy.

Ông Thảo cho biết thêm: “Rất nhiều hệ thống cơ sở dữ liệu được xây dựng nhưng còn rời rạc, phân tán, thiếu cập nhật. Việc chia sẻ dữ liệu đến nay chưa có bài toán giải quyết hữu hiệu. Dữ liệu danh mục (mã dân tộc, mã tỉnh…) còn thiếu thống nhất…”.

Công Sáng