Chia sẻ tại Hội thảo “Gỡ khó cho vay tiêu dùng – Đẩy lùi tín dụng đen” diễn ra hôm nay 31/10 tại Hà Nội, TS. Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia – cho biết quy mô “tín dụng đen” tại Việt Nam cách đây 5 năm đã chiếm khoảng 6-8% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tương đương khoảng 700.000 – 800.000 tỷ đồng ở thời điểm hiện nay. 

Theo ông Lực, cách duy nhất để giảm tỷ lệ này là phải tăng quy mô kênh tín dụng chính thống. Một trong những giải pháp được ông đề xuất là đưa nội dung giáo dục tài chính cá nhân vào chương trình học tập của học sinh THPT. 

“Cần đưa thành một môn học có tính bắt buộc nhiều hơn là tự nguyện. Tuy nhiên phải có một hệ giáo trình chuẩn, nếu không tài chính tiêu dùng sẽ biến tướng trở thành “tài chính đen” – ông Cấn Văn Lực nói

tien gui ngan hang.jpg
Cần giáo dục về tài chính tiêu dùng. (Ảnh: Hoàng Hà)

Bàn về mức lãi suất cho vay tiêu dùng như thế nào là hợp lý, chuyên gia này cho rằng, hiện nợ xấu của các công ty tài chính cao gấp 2 - 3 lần so với nợ xấu của hệ thống các ngân hàng. Từ đó suy ra mức độ rủi ro của công ty tài chính có thể cao gấp 2 - 3 lần. 

“Như vậy, nên chăng lãi suất bình quân trong cho vay của các công ty tài chính cao gấp 2 – 3 lần so với lãi suất cho vay tại các ngân hàng thương mại”, ông Lực gợi ý.

Theo TS. Cấn Văn Lực, người vay tiêu dùng từ các công ty tài chính thường là khách hàng dưới chuẩn, đối tượng dễ gặp khó khăn nhất một khi nền kinh tế gặp khó khăn. Điều này dẫn đến nguy cơ nợ xấu ở các công ty tài chính tăng cao. 

Bên cạnh hành lang pháp lý để đảm bảo người vay không “bùng nợ”, ông Cấn Văn Lực đề xuất phải công bố danh tính khách hàng “bùng nợ”. Các công ty tài chính phải chia sẻ dữ liệu cho CIC và Bộ Công an để từ đó có thể tra cứu về lịch sử tín dụng của khách hàng.

Theo bà Phạm Thị Thanh Tùng – Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN – Ngân hàng, công ty tài chính đang là đối tượng bị quỵt nợ, rõ ràng đây là khó khăn lớn cho các TCTD khi cho vay tiêu dùng.

“Đã vay thì phải có trách nhiệm trả nợ, có như vậy mới phát triển được thị trường lành mạnh”, bà Tùng nhấn mạnh.

Thời gian qua NHNN luôn chỉ đạo các TCTD, các công ty tài chính phải phát triển đa dạng sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm tín dụng tiêu dùng cho đối tượng khách hàng ở vùng sâu, vùng xa, những nơi dễ bị các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” tiếp cận. 

Để người dân tiếp cận nhiều hơn dịch vụ cho vay tiêu dùng, NHNN khuyến khích các TCTD mở rộng mạng lưới ở tất cả các khu vực trên toàn quốc. 

Riêng đối với 16 công ty tài chính được NHNN cấp phép, đến nay đã có gần 74.000 điểm giao dịch, giới thiệu sản phẩm trên toàn quốc. Đây cũng là các kênh chính thức được nhà nước cấp phép hoạt động.