- Nông thôn thì sinh hoạt theo lối nông thôn, phố xá thì sinh hoạt theo nếp phố, đừng mang cuộc sống ở quê lên thành thị để thêm nhếch nhác.

Đọc bài viết của An Thùy, tôi mới vỡ lẽ, hiểu ra tại sao Hà Nội ngày càng nhếch nhác, người Hà Nội ngày càng kém thanh lịch. Vì vẫn còn tồn tại những tư tưởng, suy nghĩ cổ súy cho lối sống thiếu tôn trọng tập thể như chị An Thùy.

Thứ nhất, với cái kiểu “gân cổ” lên cãi lý bằng được rằng “đầy người học cao, ở nhà lầu, đi xe hơi ra đường vẫn vượt đèn đỏ, vẫn khạc nhổ, vẫn văng tục chửi bậy” để bao biện cho tiệc hành lang chung cư là thấy chị không có tính xây dựng rồi. Người Việt mình rất khó chấp nhận cái sai của bản thân, và càng khó hơn khi phải nhận lỗi nên họ thường cãi cùn như thế. Đúng là dân mình còn nghèo, nước mình còn chậm phát triển, văn hóa mình còn thấp. Nhưng không thể coi đó là tình trạng chung mà tiếp tục. Nếu bây giờ không thay đổi, không hành động thì đến bao giờ mới văn minh được?

{keywords}

Ảnh minh họa

Không kể Tây hay ta, thành thị hay nông thôn, những cái gì văn minh thì nên học, cái gì chưa văn minh thì nên sửa cho văn minh hơn. Nông thôn thì sinh hoạt theo lối nông thôn, phố xá thì sinh hoạt theo nếp phố, phố chưa văn minh thì phải xây dựng nếp sống văn minh. Xây dựng bằng cách nào? Bằng cách nhận ra cái chưa văn minh để sửa, nhận ra cái văn minh để học hỏi.

Thứ hai, mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi vùng miền đều có nếp sinh hoạt, văn hóa đặc trưng của vùng đó, nhận xét văn hóa thành thị hơn văn hóa nông thôn là phiếm diện. Nhưng nếu đặt các văn hóa ấy nhầm chỗ thì sẽ thành thảm họa. Người thành phố khi về nông thôn cũng rất thích được ngồi uống rượu, tiệc tùng giữa sân rộng nhưng sẽ là thảm họa nếu các bạn vác nó lên chung cư ở phố. Hãy đặt mình vào vị trí người của người Hà Nội khi chứng kiến những cảnh đó và hãy tưởng tượng người châu Âu sẽ phản ứng thế nào nếu người Việt mình ở bên đó mở tiệc thịt chó dù là trong sân vườn nhà mình.

Thứ ba, không ai phản đối chuyện giao lưu hàng xóm láng giềng, nhưng đừng nghĩ theo lối nhà quê, hàng xóm chung cư là để thiếu mắm thiếu muối thì chạy sang nhau. Ở phố hàng tạp hóa ở khắp mọi nơi, chạy ra hàng tạp hóa có khi nhanh hơn sang nhà hàng xóm. Người ở phố bận rộn, đi làm cả ngày, về nhà chỉ muốn yên mình nghỉ ngơi, đó là lý do tại sao họ ít giao lưu với hàng xóm. Mình sống ở phố thì phải hiểu điều đó, đặt mình trong hoàn cảnh đó mà ứng xử cho phù hợp.

Thứ tư, sống ở đâu cũng vậy, điều quan trọng nhất là tôn trọng tập thể, tôn trọng người xung quanh. Tầng này có thể thích tụ tập ăn uống nhưng tầng khác thì không, chung cư có cả chục tầng chứ đâu chỉ một tầng 8 hay tầng 7. Cả tầng ăn uống hát hò chả lẽ chỉ tầng đó nghe thấy? Ngay cả người cùng một tầng, có người thích giao lưu ăn uống, cũng có người không, những chẳng lẽ cả tầng tổ chức họ lại từ chối và ngồi lỳ trong nhà không ra mặt. Rồi những người cần sử dụng thang máy thì sao, họ cảm thấy thế nào khi lối ra bị bịt kín bởi chiếu thức ăn. Bạn cứ tưởng tượng mở cửa nhà bạn ra thấy chình ình một cái ô tô đậu ở đó chắn hết lối đi, bạn cảm thấy thế nào?

Nếu không có điều kiện để tổ chức ở phòng sinh hoạt cộng đồng hoặc ra nhà hàng thì hãy chúc mừng bằng cái bắt tay thân mật hoặc gặp mặt nhau trò chuyện. Sống ở đâu thì nên quen và thực hiện với nếp sống ở đó, đừng mang nếp sống từ nơi khác đến, trong mắt bạn là bình thường nhưng với số đông người bản địa nơi đó sẽ là kệch cỡm.

Độc giả Trần Dũng

Bài viết thể hiện quan điểm của độc giả