Khó duy trì lãi suất thấp

Báo cáo thị trường tiền tệ mới đây của Công ty CP Chứng khoán SSI cho thấy, biểu lãi suất huy động dành cho khách hàng cá nhân tiếp tục được điều chỉnh tăng nhẹ trong tháng 5/2022 ở một số ngân hàng vừa và nhỏ. Trong khi đó, lãi suất huy động dành cho khách hàng tổ chức, cũng được điều chỉnh tăng khoảng 0,2 điểm % ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần lớn.

Ngoại trừ nhóm ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước chưa ghi nhận sự điều chỉnh, mặt bằng lãi suất huy động đã tăng khoảng 0,3-0,5 điểm% so với cuối năm 2021. Với lãi suất liên ngân hàng, tháng 5/2022 cũng đã tăng lên từ 0,1-0,4 điểm %/năm ở các kỳ hạn ngắn so với cuối tháng 4/2022.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 25/4 dư nợ tín dụng tăng 6,75% so với cuối 2021, trong khi huy động vốn chỉ tăng 3,55%. Điều này đang ảnh hưởng đến thanh khoản của các ngân hàng. 

Mặt bằng lãi suất huy động đã tăng khoảng 0,3-0,5 điểm % so với cuối năm 2021.

Không những thế, áp lực lạm phát tăng khi giá xăng dầu cùng nhiều nguyên liệu đầu vào tăng mạnh. Cứ nguyên vật liệu tăng giá 1% thì sản phẩm đầu ra tăng giá hơn 2%, làm gia tăng lạm phát của nền kinh tế, gây áp lực lên lãi suất.

Ngoài ra, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa tăng lãi suất và sẽ có thêm nhiều lần tăng nữa để kiểm soát lạm phát - cũng được cho là tác động lên lãi suất tiền đồng. Trước các yếu tố tác động này, liệu Ngân hàng Nhà nước có thay đổi chính sách tiền tệ?

Theo các chuyên gia, 6 tháng cuối năm 2022, chính sách tiền tệ của Việt Nam dự báo sẽ điều chỉnh. Kỳ vọng lãi suất huy động chỉ tăng nhẹ từ 0,3-0,5 điểm % trong cả năm 2022 đã hết. “Nhu cầu huy động vốn tăng cao do tín dụng tăng tốc, nhất là vào những tháng cuối năm, cùng với áp lực lạm phát gia tăng, lãi suất khó duy trì ở mức thấp lịch sử”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

Chuyên gia Trần Hoàng Ngân cho rằng, nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn với thế giới. Thế giới tăng giá, ta phải chịu giá cao ngay. Người ta gọi đó là nhập khẩu lạm phát. Hiện tình hình thế giới quá phức tạp với giá tăng cao, không chỉ dừng ở xăng dầu, khí đốt, mà lan sang cả lúa mì, gạo, phân bón... Tại Việt Nam, người dân phải mua xăng với giá trên 30.000 đồng/lít, nó đang "ngấm" vào giá hàng hóa, dịch vụ, sẽ phản ánh vào chỉ số giá (CPI) trong những tháng tới và dẫn đến tăng lãi suất.

Hậu quả “thuốc liều cao” 

Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết, Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, phấn đấu giảm lãi suất cho vay thêm khoảng 0,5-1 điểm % trong hai năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên. Tuy nhiên, một số ngân hàng lại đang tăng lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay.

Chuyên gia kinh tế Phạm Nam Kim phân tích, chắc chắn Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại sẽ điều chỉnh lãi suất huy động và cho vay thời gian tới. Điều cần quan tâm là sẽ điều chỉnh ở mức nào, tăng nhiều hay tăng ít và các kỳ hạn ra sao mà thôi.

Xu hướng lãi suất tăng khiến các DN không khỏi lo lắng.

Xu hướng tăng lãi suất khiến các DN không khỏi lo lắng. Anh Nguyễn Công Quyết, chủ DN tư nhân tại Thường Tín (Hà Nội), chuyên sản xuất thiết bị điện, cho biết, có hợp đồng vay vốn ngân hàng, kỳ hạn 6 tháng, từ cuối tháng 10/2021. Ba tháng đầu lãi suất là 7,9%/năm, sau đó điều chỉnh lên 8,4%/năm. Hợp đồng này sắp đến hạn tất toán. Anh Quyết dự định tiếp tục vay vốn ngân hàng, nhưng mới đây nhân viên tín dụng thông báo từ tháng 6 tới lãi suất cho vay sẽ tăng, không còn như trước nữa.

Ông Nguyễn Hoàng Sơn, Giám đốc Công ty TNHH An Sơn (Hà Nội), cho biết, lãi suất huy động của nhiều ngân hàng kỳ hạn 12 tháng đã tiệm cận mức 7%/năm. Với lãi suất này, cộng thêm biên độ từ 3,5-4%/năm nữa thì lãi suất vay kỳ hạn 12 tháng hiện ở mức 10,5-11%/năm. Nếu lãi suất huy động tiếp tục tăng thì lãi suất cho vay sẽ khó tránh khỏi tăng cao hơn. Trong khi đó, chi phí đầu vào cho sản xuất kinh doanh như xăng dầu, nguyên vật liệu đang tăng cao. Lãi suất cho vay lại tăng thì khó chồng khó. 

Theo chuyên gia Trần Hoàng Ngân, phần lớn các DN đã mệt mỏi, cạn kiệt tài chính sau 2 năm Covid. Vì vậy, chi phí sẽ tăng lên nếu phải chi thêm để trả lãi vay. Đầu vào tăng, lợi nhuận giảm, thậm chí lỗ, DN làm sao có thể mở rộng sản xuất để tạo việc làm. Không kìm chế được lạm phát, phải dùng “thuốc liều cao” như tăng lãi suất, tất nhiên để lại hậu quả.

Nhìn chung, sau những đợt phải tăng lãi suất để chống lạm phát, kinh tế sẽ suy giảm hoặc tăng trưởng dưới tiềm năng.

Ngân hàng Nhà nước sắp triển khai gói hỗ trợ cấp bù lãi suất 2% cho các DN. Theo Công ty Chứng khoán VNDrirect, gói cấp bù lãi suất có thể giúp giảm mặt bằng lãi suất cho vay trung bình từ 0,2-0,4 điểm % trong năm 2022. Tuy nhiên, nếu các ngân hàng thương mại tăng lãi suất cho vay, tác động thực tế của gói cấp bù lãi suất có thể thấp hơn mong đợi.

Trần Thủy

Ngân hàng tiếp tục kiếm đậm nhưng đừng mơ lãi vay giảm

Nhiều ngân hàng dự báo tiếp tục lãi lớn trong quý 1 và cả năm 2022. Tăng trưởng tín dụng cao ngay từ đầu năm, trong khi mặt bằng lãi suất huy động thấp, lãi suất cho vay neo cao, sẽ mang lại lợi nhuận lớn cho các ngân hàng.