Có nhiều lý do khiến những người phụ nữ không lựa chọn cách giải thoát cho mình: định kiến xã hội, sợ phải bỏ lại con cái, sợ cha mẹ gia đình xấu hổ buồn phiền… và lý do lớn nhất, thực tế nhất: bỏ chồng thì ở đâu?

Có nhiều lý do khiến những người phụ nữ không lựa chọn cách giải thoát cho mình: định kiến xã hội, sợ phải bỏ lại con cái, sợ cha mẹ gia đình xấu hổ buồn phiền… và lý do lớn nhất, thực tế nhất: bỏ chồng thì ở đâu?

Do truyền thống từ lâu, khi “xuất giá” theo chồng, phụ nữ - đặc biệt ở những vùng nông thôn – thường không được chia tài sản thừa kế từ cha mẹ ruột. Họ mặc nhiên coi việc đóng góp vào nhà chồng và sẽ gắn kết cả đời ở đó. Nhưng khi hôn nhân có vấn đề, người phụ nữ gần như phải ra đi tay trắng, hoặc phần tài sản được chia không thể đủ cho họ bắt đầu cuộc sống mới. Ôm những đứa con nhỏ ra đi trong tình trạng không tiền bạc, tài sản, cũng không thể quay lại nhà cha mẹ ruột, là quá mạo hiểm, bỏ con lại thì đau đớn. Tình cảnh của những người phụ nữ này luôn trong sự bế tắc.

{keywords}
Nguyễn Văn Hùng (tên giả) trao đổi với đoàn cán bộ nghiên cứu về phụ nữ sau ly hôn. Ảnh: Hoàng Hường

Ngồi trước mặt chúng tôi, Nguyễn Văn Hùng (tên thay đổi vì lý do bảo vệ nhân vật) kể câu chuyện gia đình mình với gương mặt đượm buồn, thân hình gầy gò khắc khổ, ánh mắt vời vợi.

Gia đình Hùng sống ở xã… tỉnh Quảng Ngãi. Trước đây cha Hùng làm nghề đi biển đánh cá. Cuộc sống không giàu nhưng tạm ổn, êm ấm. Sóng gió nổi lên, thuyền cá của cha Hùng bị bão đánh đắm. Mất phương tiện mưu sinh, tính tình người cha thay đổi. Nỗi thất vọng đắng cay được trút cả lên người vợ con. Mấy anh em Hùng không biết bao lần phải chứng kiến cảnh cha đánh mẹ. Bản thân 3 anh em Hùng cũng phải chịu đòn.

Cuộc sống hãi hùng đó chỉ tạm chấm dứt khi một người chú dang tay cưu mang anh em Hùng, còn người mẹ phải bỏ đi làm ăn xa. Ngay cả khi nói chuyện với chúng tôi, Hùng vẫn thảng thốt lo bị cha đánh bất cứ lúc nào. Hùng kể chuyện đó đã từng xảy ra, khi người cha cùng gia đình ông xông vào tận nhà chú của Hùng để hành hung mấy anh em. “Em cũng không biết sao cha căm ghét anh em chúng em thế”, Hùng nói, ánh mắt tăm tối.

Ngày cha mẹ ra tòa, anh em Hùng bị mẹ cấm đến dự “vì sợ cha nóng tính hành hung”, Hùng chỉ nghe kể lại, mẹ có được chia phần tài sản nhưng “bố nói mẹ sẽ để xác lại nếu dám về lấy”. Đến nay, phần đất vườn mẹ và anh em Hùng được chia vẫn được gia đình bên bố quản lý. “Em mong một ngày bố đổi ý, cho em xin mảnh đất đó, để em có vốn làm ăn và xây dựng gia đình”, Hùng nói nhỏ, tiếng địa phương Quảng Ngãi, phải cố gắng lắm tôi mới hiểu được.

{keywords}
Chị Phạm Thị Nên. Ảnh: Hoàng Hường

Trong hầu hết những câu chuyện, tôi được nghe nhiều lần câu “thoát thân được là may lắm rồi, trông mong gì lấy được tài sản của họ” từ những người phụ nữ quyết định rời khỏi địa ngục đời mình. Cũng không lạ, vì chỉ cách đây không lâu, chuyện người phụ nữ ở Bắc Giang đòi ly hôn đã bị người chồng hành hung tàn bạo, đã làm người phụ nữ không thể thoát ra.

Một trường hợp khác, chị Phạm Thị Nên, tại xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi cũng buồn chẳng kém. Chị “từng tự tử vài lần rồi, có lần bị đánh dữ quá, những người ngoài thôn, và hàng xóm vào can cũng bị dọa chém”, sau hai năm ly thân, chị cũng ly hôn được. Tài sản chung là mảnh đất vườn, nhà, rẫy được chia, nhưng từ khi có quyết định của tòa án cũng đã 5 – 6 năm, chị vẫn không lấy được (và không muốn) lấy lại.

Lý do: để lại cho con, không muốn đối mặt với chồng cũ, và một lý do khá éo le từ vấn đề chính sách: sau khi có phán quyết của tòa, đương sự phải làm đơn đề nghị thi hành án mới được lấy tài sản. Nhiều phụ nữ không biết thủ tục này, hoặc biết thì quá ngại vấn đề thủ tục, sau khi đã mệt mỏi với vấn đề ly hôn, tòa án, đã buông xuôi. Thêm nữa, mong mỏi lớn nhất của họ vẫn là thoát khỏi cuộc sống thảm họa, nên bước chân đi rồi, không còn muốn quay lại để nhận tài sản. Giống như chị Nên “yên thân về ở với mẹ già là thoải mái rồi”.

Tuy nhiên, chị Nên cũng vừa may (hay không may?) là nhà ít anh em, lại hầu hết làm ăn xa nhà, nhà chỉ có mẹ già, nên chị dễ dàng có nơi chốn lui về.

Rất nhiều người phụ nữ khác, vẫn nuốt nước mắt vào trong, chịu đựng những trận đòn tàn bạo vì họ không còn chốn về. Khi mảnh đất vườn đã được chia cho các anh em trai, khi cha mẹ không còn, hoặc không muốn “mất mặt” với xã hội khi con gái đổ vỡ gia đình. Hoặc ở đâu đó, có người mẹ đớn đau xa con, khi phải lang bạt biệt xứ, thậm chí đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, chỉ để trốn tránh cuộc hôn nhân đọa đày, và để nuôi con nhỏ.

Con đường thoát bạo hành gia đình của nhiều phụ nữ, không hề đơn giản.

Hoàng Hường