Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank (EIB) vừa công bố thông tin cho biết Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cho phép Eximbank bán gần 75 triệu cổ phiếu Ngân hàng Sacombank (STB) để thu hồi 746 tỉ đồng nợ vay.
Theo tài liệu ĐHCĐ thường niên 2020 (dự kiến diễn ra vào 30/6), Eximbank cho biết tỷ lệ cho vay chứng khoán của doanh nghiệp này cao hơn so với quy định 5%/tổng dư nợ cho vay mà nguyên nhân chủ yếu đến từ khoản cho vay 7 khách hàng nhiều năm trước để mua cổ phiếu Eximbank và không trả được nợ .
Eximbank đã khởi kiện nhóm khách hàng này và có thể sẽ phát mại toàn bộ số cổ phiếu Sacombank để thu hồi nợ nếu khách hàng không trả nợ.
Như vậy, một vướng mắc của Eximbank sắp được giải quyết, ngân hàng này cũng đặt mục tiêu giữ nợ xấu ở mức dưới 2% và lợi nhuận trước thuế tăng 20% lên xấp xỉ 1.320 tỉ đồng. Tổng tài sản tăng 5% lên 176 ngàn tỷ đồng.
Eximbank là ngân hàng thuộc nhóm nhiều khó khăn nhất hiện nay cũng đã có lối ra. Trong khi đó mà nhiều ngân hàng khác cũng đã phát ra tín hiệu khả quan trong năm nay.
Các ngân hàng vẫn hoạt động tốt. |
Sau gần nửa năm, Ngân hàng Vietcombank đã thực hiện được khoảng 40% kế hoạch kinh doanh năm và vẫn là quán quân về lợi nhuận trong hệ thống các tổ chức tín dụng, với khoảng 9,1 ngàn tỷ đồng. Nếu không có gì thay đổi, Vietcombank tiếp tục ghi nhận lợi nhuận tỷ USD trong năm 2020.
Ngân hàng ACB ước lãi khoảng 3,5 ngàn tỷ trong 5 tháng, cũng đạt 40% kế hoạch năm dù dịch bệnh hoành hành.
Trong khi đó, SHB của ông Đỗ Quang Hiển (Bầu Hiển) cũng ghi nhận lợi nhuận 1,3 ngàn tỷ đồng trong 5 tháng đầu năm, đạt 40% kế hoạch. Sacombank cũng báo lợi nhuận trước thuế 1,3 ngàn tỷ đồng, tương đương 50% kế hoạch năm. TPBank của ông Đỗ Minh Phú ghi nhận 1,2 ngàn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế sau 4 tháng, tương đương 30% kế hoạch. HDBank của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo ước đạt lợi nhuận 2,3 ngàn tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch.
Trước đó, các ngân hàng đồng loạt giảm chỉ tiêu lợi nhuận do tác động của đại dịch Covid tới cộng đồng các doanh nghiệp là rất lớn, ngân hàng phải đối mặt với tín dụng giảm mạnh, nợ xấu gia tăng…
Tuy nhiên, những tín hiệu gần đây cho thấy, các ngân hàng dường như đã có vượt khó thành công. Tình hình của các ngân hàng sẽ phụ thuộc nhiều vào 6 tháng cuối năm, giai đoạn bứt phá của cả hệ thống.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 19/6, chỉ số VN-Index tăng nhẹ. Vn-Index quanh ngưỡng 860 điểm. Các cổ phếu blue-chips đa phần tăng giá. Cổ phiếu Sabeco (SAB) và Coteccons (CTD) tăng khá mạnh.
Nhiều công ty chứng khoán có các dự báo thận trọng.
Theo BVSC, VN-Index dự báo sẽ tiếp tục có biến động giằng co với các nhịp tăng giảm đan xen trong biên độ 840-845 điểm và 863-867 điểm trong phiên cuối tuần. Nỗ lực hồi phục của chỉ số sẽ gặp khó khăn tại vùng 863-867 điểm. Diễn biến thị trường đang có sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu, kể cả trong kịch bản tích cực thị trường vượt qua vùng kháng cự quanh 867 điểm để duy trì đà hồi phục thì diễn biến thị trường vẫn sẽ phân hóa mạnh và sẽ khá khó khăn để tìm kiếm các cơ hội đầu tư.
Ở chiều ngược lại, BVSC vẫn lưu ý rằng, nếu chỉ số xuyên thủng hoàn toàn vùng hỗ trợ 840-845 điểm thì kịch bản thị trường giảm về vùng hỗ trợ mạnh hơn 780-820 điểm là hiện hữu trong ngắn hạn. Phiên cuối tuần, các quỹ ETFs ngoại sẽ thực hiện hoạt động tái cơ cấu danh mục quý II nên thị trường có khả năng sẽ có biến động mạnh trong phiên ATC.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 18/6, VN-Index tăng 0,83 điểm lên 855,27 điểm; HNX-Index giảm 0,53 điểm xuống 112,74 điểm. Upcom-Index giảm 0,11 điểm xuống 55,77 điểm. Thanh khoản đạt khoảng 4,8 ngàn tỷ đồng.
V. Hà