Đây là thông tin được Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với Sky News. Theo ông Zelensky, các chiến đấu cơ đa năng F-16 của Không quân Ukraine đã chứng minh hiệu quả cao trong việc chống lại những mối đe dọa trên không từ Nga.

"Cách F-16 hoạt động hiện nay là rất tốt, nói chung là tuyệt vời", ông Zelensky nói.

nga ukraine 43.jpg
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: RBC-Ukraine

Ông Zelensky nhấn mạnh dù số lượng F-16 do phương Tây cung cấp cho Ukraine vẫn còn khá hạn chế, nhưng chúng đang được sử dụng tích cực để đẩy lùi các đợt tấn công của Nga.

"Chúng tôi có rất ít máy bay F-16. Bây giờ chúng đang làm gì? Chúng đã phá hủy 7 tên lửa đạn đạo vào 2 đêm trước, 7 tên lửa này nhắm vào cơ sở hạ tầng dân sự", Tổng thống Ukraine nói thêm. 

Hôm 28/11, Nga đã triển khai một cuộc tấn công kết hợp quy mô lớn vào Ukraine với sự tham gia của gần 200 tên lửa và máy bay không người lái (UAV). Mục tiêu của cuộc tấn công chủ yếu nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng ở Ukraine. Đây là đợt tấn công lớn thứ 2 của Nga trong tháng 11 nhằm vào Ukraine. 

Tình báo Anh nói Oreshnik là vũ khí "hàng hiếm"

Tờ Kyiv Post đưa tin, hôm 29/11, tình báo Anh nhận định tên lửa đạn đạo tầm trung siêu vượt âm Oreshnik có thể đắt hơn nhiều so với các tên lửa khác mà Nga đang sử dụng để chống lại Ukraine.

Tên lửa siêu vượt âm Oreshnik được Nga phóng vào thành phố Dnipro của Ukraine hồi tuần trước được cho là biến thể của tên lửa đạn đạo Rubezh RS-26 mà Moscow từng thử nghiệm lần đầu vào năm 2011. Chia sẻ trên mạng xã hội X, Bộ Quốc phòng Anh cho rằng Nga hiện sở hữu số lượng hạn chế tên lửa Oreshnik, và chưa đưa vào sản xuất hàng loạt. 

Cũng theo Bộ Quốc phòng Anh, tầm bắn tối đa của tên lửa Oreshnik từ 3.000 - 5.500km, và đã bay được khoảng 800km đến mục tiêu trong cuộc tấn công vào Dnipro.

"Khả năng cao Nga chỉ có một số ít tên lửa Oreshnik, và chưa được đưa vào sản xuất hàng loạt", báo cáo của Bộ Quốc phòng Anh viết.

Tình báo Anh cho rằng, việc Nga triển khai Oreshnik dường như là một thông điệp chiến lược tốn kém nhằm đáp trả Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa mà phương Tây cung cấp để tập kích các mục tiêu trong lãnh thổ Nga.

Bộ Quốc phòng Anh nhấn mạnh thêm, việc Nga phát triển tên lửa Oreshnik có thể đã bắt đầu trước khi Moscow rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) vào tháng 2/2019. 

Trước đó, hôm 28/11, phát biểu tại cuộc họp của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) ở thủ đô Astana của Kazakhstan, Tổng thống Vladimir Putin cho biết sắp tới Nga có thể nhắm vào các trung tâm ra quyết định quan trọng ở thủ đô Kiev, cũng như các cơ sở quân sự và công nghiệp trên khắp Ukraine bằng tên lửa Oreshnik.