Giảm tới 25%
Công ty CP DKRA Group vừa có báo cáo về thị trường đất nền 5 huyện ngoại thành TP.HCM. Theo đó, đầu năm 2022, khi mở cửa lại nền kinh tế đã tạo đà cho sự hồi phục của thị trường bất động sản. Điều này tác động trực tiếp đến mặt bằng giá bất động sản trong đó có giá đất nền ở các huyện vùng ven TPHCM, thanh khoản thị trường và mặt bằng giá đều ghi nhận tăng đáng kể so với cuối năm 2021. Trong đó, tăng mạnh nhất và có dấu hiệu sốt đất cục bộ ở huyện Hóc Môn và Củ Chi khi 2 địa phương có thông tin được quy hoạch lên thành phố, mức tăng ghi nhận 15 - 25% trong hơn một tháng.
Củ Chi là nơi có giá đất giảm mạnh nhất, từ 13 - 25%. |
Tuy nhiên, thị trường đảo chiều và giảm mạnh từ cuối tháng 4/2022. Hiện tại giá bán đất nền dự án giảm trung bình khoảng 2 - 21% so với tháng 12/2021. Riêng mặt bằng giá đất nền hộ lẻ ghi nhận mức giảm lên đến 4 - 25% so với cùng kỳ 2021. Mức giảm ghi nhận cao nhất ở các huyện Hóc Môn 10 - 15%, Cần Giờ 11 - 18%, Củ Chi 13 - 25%. Thanh khoản thị trường giảm mạnh, chỉ bằng khoảng 25 - 30% so với đầu năm 2022.
Theo DKRA Group, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thị trường sụt giảm. Đầu tiên là sự tăng cường kiểm soát tín dụng vào bất động sản. Từ cuối tháng 4, cơ quan quản lý nhà nước đã tăng cường kiểm soát tín dụng vào bất động sản, gồm cả kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Doanh nghiệp bất động sản gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn từ 2 kênh này dẫn đến nguồn cung sụt giảm, nhà đầu tư cá nhân khó tiếp cận vốn vay ngân hàng dẫn đến sức cầu của thị trường sụt giảm.
Chi tiết mức giảm giá đất nền của 5 huyện ngoại thành TP.HCM. |
Lãi suất cho vay bất động sản hiện dao động 11 - 15%/năm, với mức lãi suất này nhiều nhà đầu tư thận trọng hơn trong quyết định dùng đòn bẩy tài chính để đầu tư bất động sản. Trong khi đó, những nhà đầu tư có sử dụng đòn bẩy tài chính chịu áp lực lãi vay ngày càng lớn khi lãi suất tăng mạnh. Với tình hình kinh tế đang gặp khó khăn, thu nhập bị sụt giảm khiến nhà đầu tư phải chấp nhận giảm giá, cắt lỗ hoặc giảm một phần lợi nhuận để có thể bán bất động sản ra thị trường để giảm áp lực tài chính cá nhân. Một bên muốn bán dù giảm giá, một bên thận trọng trong việc ra quyết định đầu tư trong giai đoạn này, đây là lý do chính khiến mặt bằng giá giảm mạnh trong thời gian vừa qua nhưng thanh khoản lại rất thấp.
Chưa đề xuất lên quận, thành phố
Một nguyên nhân khác, được DKRA Group chỉ ra là trong thời gian qua, UBND TP.HCM chủ trương 5 huyện không vội đề xuất lên quận hoặc thành phố khi chưa đủ tiêu chuẩn, trong ngắn hạn có tác động một phần nhỏ đến thanh khoản và giá bán ở những khu vực này. Tuy nhiên về dài hạn chủ trương này giúp cho thị trường phát triển ổn định hơn, minh bạch hơn, tránh trường hợp sốt đất ảo cục bộ khi có những thông tin đề xuất lên quận, thành phố đã từng diễn ra trong quá khứ.
Hồi đầu tháng 12/2022, Văn phòng UBND TP.HCM có thông báo, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan tại cuộc họp về tiến độ triển khai thực hiện Đề án đầu tư xây dựng các huyện thành quận (hoặc thành phố thuộc TP.HCM) giai đoạn 2021 - 2030.
Theo đó, với quan điểm, mục tiêu nghiên cứu, tổ chức không gian phát triển các huyện nhằm khai thác lợi thế của từng huyện, hình thành vùng động lực, cực tăng trưởng mới thúc đẩy kinh tế của thành phố phát triển nhanh, bền vững và hiệu quả, nhiệm vụ trước mắt cần tập trung nghiên cứu giải pháp quy hoạch không gian, hình thành bộ khung về kết cấu hạ tầng, các trục giao thông quan trọng, các tuyến đường huyết mạch, các khu đô thị lớn cùng với các thiết chế văn hóa xã hội đi kèm... Từ đó, đề xuất các giải pháp, đề án, chương trình để đầu tư xây dựng các huyện phát triển trở thành đô thị vệ tinh của thành phố.
TP.HCM yêu cầu 5 huyện ngoại thành phải tập trung nghiên cứu giải pháp quy hoạch không gian, hình thành bộ khung về kết cấu hạ tầng, các trục giao thông quan trọng, các tuyến đường huyết mạch, các khu đô thị lớn cùng với các thiết chế văn hóa xã hội đi kèm... trước khi tính chuyện lên quận hay thành phố. |
Sau khi các huyện đạt tiêu chuẩn theo quy định, TP.HCM sẽ trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định mô hình đơn vị hành chính đô thị phù hợp với từng huyện. Do đó, trong giai đoạn hiện nay, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đề nghị các Huyện ủy, UBND các huyện không đề xuất hoặc kiến nghị UBND TP.HCM việc xin chủ trương chuyển huyện thành quận hay thành phố.
Về tiến độ triển khai đề án, ông Võ Văn Hoan giao Sở Nội vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Văn hóa Thể thao, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, UBND các huyện khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được giao, đảm bảo tiến độ thời gian tại Thông báo 592/2022 của Văn phòng UBND TP.HCM.
Sở Khoa học Công nghệ tổ chức thẩm định, nghiệm thu các Đồ án nhánh do các sở, ngành phụ trách; hoàn thành thẩm định các đề án: Văn hóa đô thị, Con người đô thị, Quản lý nhà nước, Kinh tế đô thị và Hạ tầng đô thị. Sở Nội vụ chủ trì nghiên cứu, tham mưu UBND TP.HCM báo cáo Ban cán sự đảng UBND TPHCM quá trình xây dựng; kết quả đánh giá, thẩm định các Đồ án nhánh do các sở, ngành có liên quan chủ trì thực hiện.
(Theo Tiền Phong)