Bài hát 'Chú voi con ở Bản Đôn' do nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác đang gây tranh cãi trên mạng xã hội. Bởi phần lời của bài hát là của nhạc sĩ Phạm Tuyên nhưng phần nhạc đã bị biến tấu.
Bài hát 'Chú voi con ở Bản Đôn' do nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác đang gây tranh cãi trên mạng xã hội. Phần lời của bài hát là của nhạc sĩ Phạm Tuyên nhưng phần nhạc đã bị biến tấu.
Có ý kiến cho rằng, hiện nay các bản nhạc bị hát sai lời, sai nhịp, thậm chí sai tựa đang rất phổ biến. Và nếu thấy bản thân mình có khả năng thì hãy tự sáng tác chứ đừng sửa lung tung nhạc của người khác. Nhưng một số người nhận định, sáng tạo đó là hay, vì bài hát gần hơn với thế hệ trẻ chứ không chỉ hát riêng cho trẻ con.
Chia sẻ với VietNamNet, con gái nhạc sĩ Phạm Tuyên - nhà báo Hồng Tuyến khẳng định đã biết sự việc 'chế' nhạc ca khúc Chú voi con ở Bản Đôn do bố mình sáng tác cách đây 4 năm. Tuy nhiên, do quá nhiều hiểu lầm không đáng có nên gia đình muốn lên tiếng một lần, chứ không vì tiền bản quyền.
"Tất cả bài hát thiếu nhi của nhạc sĩ Phạm Tuyên, chúng tôi đã giao cho Trung tâm bản quyền khai thác và bảo vệ. Những bản nhạc chế trên lời ca khúc Chú voi con ở Bản Đôn đều đang được gỡ dần khỏi các nền tảng. Nhưng gần đây, nhiều người lầm tưởng bài nhạc chế này là do nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác, nên chúng tôi phải lên tiếng.
Bài hát Chú voi con ở Bản Đôn đã bị điều chỉnh từ giọng trưởng sang giọng thứ mà chưa được sự chấp thuận của bố tôi. Chúng tôi không đưa ra cảm nhận hay/dở, vì cảm thụ âm nhạc là gu của từng người. Gia đình cảm thấy không vui vì không ai xin phép tác giả. Khi đưa cho bố nghe bản nhạc này, ông nói đây không phải là bài hát gốc. Bố tôi ủng hộ sáng tạo của giới trẻ, song như vậy không có nghĩa là tùy tiện sử dụng, biến đổi bài hát mà không xin phép tác giả.
Năm 2009, chương trình Táo quân đến xin phép nhạc sĩ để được cải biên ca khúc Từ một ngã tư đường phố thành Lụt từ ngã tư đường phố, ông vui vẻ đồng ý ngay", con gái nhạc sĩ Phạm Tuyên cho biết.
Nhà báo Hồng Tuyến kể, có lần chương trình Chúng tôi là chiến sĩ liên hệ với gia đình và nói ghi hình ở Tây Nguyên, nhờ tư vấn bài hát phù hợp. Chị Tuyến nói ngay bài Chú voi con ở Bản Đôn là hợp nhất.
Tuy nhiên, khi ê-kíp ghi âm thanh gửi về cho nhạc sĩ Phạm Tuyên nghe xem đúng tinh thần bài hát chưa thì hoá ra ca sĩ hát bài biến thể.
"May ê-kíp cẩn thận chứ không khi chiếu lên truyền hình rồi không biết sẽ như thế nào", chị Hồng Tuyến nói.
Chị Hồng Tuyến chia sẻ thêm, ngày xưa bản thân chị và bạn bè cùng trang lứa cũng hay chế nhạc để hát. Song đó chỉ là "hát cho nhau nghe" rồi thôi, không phát tán đi đâu cả.
Tuy nhiên, hiện tại mạng xã hội, YouTube hay TikTok phát triển mạnh, độ phổ cập của những bản nhạc chế rất rộng rãi. Vì thế, câu chuyện trở nên phức tạp hơn và ảnh hưởng nhiều tới tác giả của ca khúc gốc trong bối cảnh việc nhận diện thật - giả, bản gốc - bản phái sinh rất khó.
NSND Trần Hiếu thể hiện 'Chú voi con ở Bản Đôn' của nhạc sĩ Phạm Tuyên:
Năm 1983, nhạc sĩ Pham Tuyên cùng nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, nhạc sĩ Hoàng Vân đi thực tế ở Đắk Lắk. Cán bộ tỉnh giới thiệu ba ông về Buôn Đôn - nơi có truyền thống thuần dưỡng voi để thực tế.
Sau đó, ông viết bài Chú voi con ở Bản Đôn, tác phẩm được nhiều thế hệ thiếu nhi yêu thích. Một thời gian sau, bài hát được chọn làm nhạc hiệu cho Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Đắk Lắk.
Chia sẻ với VietNamNet về tình trạng sức khỏe nhạc sĩ Phạm Tuyên, nhà báo Hồng Tuyến cho biết, ở tuổi 93 bố chị vẫn minh mẫn, có thể đọc báo và xem tivi dù hàng ngày ông phải 'làm bạn' với máy thở oxy và khí dung.
Nhà báo Tạ Bích Loan nói, chị biết ơn nhạc sĩ Phạm Tuyên với tấm lòng yêu thương và tài năng, đã hiểu trẻ em, dành tất cả sự trong trẻo cho những sáng tác để đóng góp vào sự nghiệp trồng người của đất nước.