Chiều 29/5, phát biểu tại hội trường Quốc hội về những vấn đề liên quan đến phòng chống Covid-19, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) chia sẻ, đại dịch là phép thử, cho thấy hiện trạng, thực lực của ngành y tế để có giải pháp hiệu quả. 

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, trong báo cáo của đoàn giám sát của Quốc hội cần bổ sung cân bằng giữa xây và chống. “Tôi đồng ý tiêu cực thì phải chống, nhưng chúng ta đã quan tâm đúng mức đến xây dựng, bồi bổ sao cho ngành y tế mạnh hơn để chống dịch và sau này hay chưa?”, đại biểu băn khoăn.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, đoàn TP.HCM. (Ảnh: QH)

Theo đại biểu TP.HCM, phần xây làm rất chậm nhưng lại tập trung chống. "Giống bệnh nhân thập tử nhất sinh, thay vì bồi bổ cho bệnh nhân thì chúng ta chỉ tập trung cắt phần hoại tử, cho dùng thuốc nặng”, bà ví von.

Bà Phạm Khánh Phong Lan cũng cho rằng, khi chiến thắng đại dịch chúng ta nói đã thu được rất nhiều thành quả và được thế giới ghi nhận. “Nhưng với tư cách người dân tôi thấy rằng trước đây chiến thắng về mừng công, song giờ chiến thắng về chúng ta trảm tướng, thay tướng, tôi suy ra thất bại. Với hệ thống ngành y tế, số lượng cán bộ phải trả giá cho đại dịch này quá lớn”, đại biểu đoàn TP.HCM nói. 

Do vậy, theo đại biểu, báo cáo giám sát về vấn đề này phải đi vào thực tế. Còn với sự e dè như hiện nay, đại biểu lo ngại không biết chuyện gì sẽ xảy ra khi dịch bệnh quay trở lại. “Ngành y không thể chỉ dùng khẩu hiệu để đi qua đại dịch mà phải có cơ chế để bảo vệ cho người làm”, bà Lan nói thêm.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (đoàn Bình Dương), trải qua đại dịch Covid-19, đất nước ta đã đoàn kết, vượt qua nhiều khó khăn. “Nhưng thẳng thắn nhìn nhận, chúng ta đã mất mát nhiều cán bộ. Mà mất người là mất mát lớn nhất”, bà Xuân nói.

Tuy nhiên, theo đại biểu đoàn Bình Dương, báo cáo giám sát chưa thống kê, phân tích được số tổ chức, cá nhân vi phạm, nội dung vi phạm và căn cứ pháp luật áp dụng để xử lý vi phạm đó. 

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân cho rằng, đối với người dám nghĩ, dám làm vì tính mạng, sức khoẻ nhân dân, trong bối cảnh cấp bách, pháp luật chưa có quy định, quy định không rõ ràng hoặc quy định không thể thực hiện được thì cần được đánh giá toàn diện, thấu tình đạt lý.

“Việc xem xét, đánh giá toàn diện vấn đề này không chỉ là đúng, sai theo quy định pháp luật, mà thể hiện đạo lý, tình người, là cụ thể hoá quy định của Đảng về bảo vệ cán bộ, năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”, đại biểu đoàn Bình Dương chia sẻ.

Đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Trung ương MTTQ Việt Nam.

Đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh (Phó Chủ tịch Trung ương MTTQ Việt Nam) cho biết, dịch Covid-19 diễn ra, cán bộ mặt trận không ngại gian khổ, kể cả ảnh hưởng về sức khỏe, tính mạng và cũng không nhận bất cứ khoản hỗ trợ nào.

Nhưng khi các cơ quan chức năng vào kiểm tra kết quả công tác vận động đã chỉ ra những sai phạm. “Nhiều cán bộ mặt trận tâm sự với tôi, cứ đem các quy định trong điều kiện bình thường áp dụng vào điều kiện không bình thường thì chắc chắn lần sau không ai dám lăn xả để thực hiện nhiệm vụ”, bà Trương Thị Ngọc Ánh cho hay.

Do đó, theo Phó Chủ tịch Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần chỉ đạo giải quyết những vướng mắc để đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là những người đã tham gia công tác phòng chống dịch được thanh thản, nhẹ nhõm, xem như là đã vượt qua được thử thách, chặng đường quanh co, khó nhọc, bước vào thực hiện nhiệm vụ mới một cách cởi mở với năng lượng tích cực.