Ngày 15/9, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với Dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Hội nghị nhằm góp phần hoàn thiện dự luật trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp lần thứ 4.

Phát biểu tại hội nghị, bà Cao Xuân Thu Vân - Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam đánh giá dự thảo đã có nhiều đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tích tụ đất đai, sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả, khắc phục tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp, phát huy nguồn lực từ đất đai.

Đi vào vấn đề cụ thể, theo bà Cao Xuân Thu Vân, quy định tại điều 214 cho phép tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa của hộ gia đình, cá nhân là phù hợp. Nhưng vấn đề phải quy định cụ thể đối tượng và điều kiện được nhận chuyển nhượng.

Qua đó, vừa thúc đẩy kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển, vừa đảm bảo ổn định cuộc sống của nông dân. Tránh tình trạng nông dân không còn tư liệu sản xuất, không có việc làm, thu nhập sau khi chuyển nhượng đất trồng lúa cho các tổ chức kinh tế.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tiếp thu ý kiến đại biểu tại hội nghị. Ảnh: Quang Vinh.

GS.TS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, cần bổ sung vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi quy định về đất đai thuộc khu vực quyền tài sản công và đất đai thuộc khu vực quyền tài sản tư, gắn với nó là các quy tắc quản lý phù hợp.

Theo GS.TS Đặng Hùng Võ, chuyển dịch đất đai đang diễn ra rộng khắp và phức tạp. Trong hoàn cảnh như vậy, khái niệm tương tự đất công và đất tư như ở các nước khác cần được đặt ra.

“Ở Việt Nam, đất đai thuộc khu vực quyền tài sản công thường không được các cơ quan quản lý đất đai đặt thành trọng tâm. Chính vì vậy, nguồn lực công sản bị rơi vào hoàn cảnh dễ dàng bị tham nhũng, lãng phí”, ông Đặng Hùng Võ nói.

Để khắc phục tình trạng quản lý lỏng lẻo trên, theo GS.TS Đặng Hùng Võ, cần bổ sung vào Luật Đất đai sửa đổi quy định về đất đai thuộc khu vực quyền tài sản công và đất đai thuộc khu vực quyền tài sản tư và gắn với nó là các quy tắc quản lý phù hợp.

GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật MTTQ Việt Nam cũng nêu vấn đề, đất đai liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của đa số nhân dân. Nhưng tiếng nói của nhân dân trong dự thảo lần này có phần mờ nhạt.

“Các quyền dân chủ trực tiếp của công dân như quyền khiếu nại, tố cáo, quyền tham gia quản lý nhà nước về đất đai chưa được quy định hoặc quy định quá chung chung, không cụ thể. Công dân thực hiện các quyền của mình vừa trực tiếp vừa thông qua tổ chức của mình cũng chưa được quy định đầy đủ”, GS.TS Trần Ngọc Đường chỉ rõ.

Vì vậy, GS.TS Trần Ngọc Đường đề xuất, dự thảo Luật đất đai cần bổ sung quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai. Trong đó, nêu cụ thể quyền tham gia quản lý nhà nước về đất đai bao gồm những quyền gì? Quyền khiếu nại, tố cáo về đất đai trong những trường hợp nào?

Phát biểu tiếp thu ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, để không làm ‘méo mó’ thị trường đất đai thì mọi giao dịch phải thông qua cơ chế đấu giá, đấu thầu.

“Đất đai được giao dịch theo nguyên tắc thị trường thì quyền lợi và nghĩa vụ của người sử dụng đất và quyền lợi của người bị thu hồi đất được đảm bảo công bằng”, ông Trần Hồng Hà nói.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng dành thời gian làm rõ phương án người dân được góp vốn bằng quyền sử dụng đất để làm dự án xây nhà ở thương mại, khu đô thị. Theo Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường đây là phương án trung hoà, bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu.