Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, chủ trương, giải pháp của Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn và xu thế phát triển với nhiều điểm đổi mới.

Dự thảo Luật gồm 237 điều, trong đó giữ nguyên 48 điều; sửa đổi, bổ sung  152 điều; bổ sung mới 37 điều và bãi bỏ 8 điều.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều điểm mới quan trọng liên quan đến giá đất, thu hồi đất, quyền sử dụng đất… (Ảnh minh hoạ/ Hoàng Hà)

Bố cục của Dự thảo Luật được sắp xếp như Luật Đất đai hiện hành, tăng thêm 2 chương gồm: 1 chương quy định về phát triển quỹ đất và tách chương thu hồi đất, trưng dụng đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành 2 chương.

Đề cập đến những điểm mới đột phá, Bộ TN&MT cho biết, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có 8 điểm mới quan trọng.

Cụ thể: Thứ nhất, dự thảo quy định cụ thể hơn quyền và trách nhiệm của nhà nước với vai trò là đại diện chủ sở hữu, thống nhất quản lý đối với đất đai và quyền, nghĩa vụ của công dân đối với đất đai bảo đảm tuân thủ chặt chẽ các quy định của Hiến pháp về sở hữu đất đai và quyền con người.

Thứ hai, hoàn thiện đồng bộ các quy định về xây dựng hệ thống quy hoạch sử dụng đất đai đồng bộ ở 3 cấp, gắn với quy hoạch đô thị, xây dựng, hạ tầng để đảm bảo phù hợp, thống nhất, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ, thúc đẩy lẫn nhau phát triển...

Thứ ba, công khai, minh bạch bình đẳng trong giao đất, cho thuê đất, chủ yếu giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất nhằm huy động các nguồn lực xã hội. Quy định cụ thể đối với các trường hợp cho thuê đất trả tiền một lần, cho thuê đất trả tiền hàng năm để đảm bảo dễ thực thi, dễ kiểm tra, dễ giám sát, tạo nguồn thu ổn định vào tạo điều kiện cho người sử dụng đất chủ động hạch toán sản xuất kinh doanh.

Thứ tư, phân cấp thẩm quyền cho các địa phương trong quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn để khơi thông nguồn lực, đồng thời, phải đi đôi với kiểm soát chặt chẽ, thiết lập các cơ chế quản lý của trung ương, thông qua quy định về hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai tập trung, thống nhất kiểm soát và quản lý mọi biến động của thửa đất được cập nhật theo thời gian thực từ địa phương về Trung ương...

Thứ năm, tiếp tục thực hiện công khai, minh bạch trong thu hồi đất thông qua quy định cụ thể về thẩm quyền, điều kiện, tiêu chí thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; chỉ được thu hồi đất sau khi hoàn thành bố trí tái định cư, trừ trường hợp tái định cư tại chỗ; giải quyết hài hoà lợi ích giữa nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư thông qua chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bảo đảm vấn đề an sinh bền vững cho người có đất bị thu hồi.

Thứ sáu, chuyển trọng tâm từ phương thức quản lý về hành chính sang thực hiện đồng bộ các công cụ kinh tế, quy hoạch, hành chính để quản lý, điều tiết các quan hệ đất đai. Bỏ khung giá đất, đồng thời hoàn thiện các quy định về giá đất theo nguyên tắc thị trường, đảm bảo công khai, minh bạch…

Thứ bảy, tiếp tục hoàn thiện các quyền của người sử dụng đất để thúc đẩy thương mại hoá quyền sử dụng đất, vốn hoá thị trường, phát huy nguồn lực đất đai, nhất là quyền chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm; mở rộng hạn mức, đối tượng được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp, quy định về ngân hàng cho thuê đất nông nghiệp cùng các cơ chế góp quyền sử dụng đất để thúc đẩy tập trung đất đai, tiếp cận đất đai của các doanh nghiệp nông nghiệp...

Thứ tám, hoàn thiện các quy định về chế độ sử dụng đất đa mục đích, đất nông nghiệp kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất quốc phòng, an ninh kết hợp với lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, đất tôn giáo kết hợp với mục đích khác, đất mặt nước sử dụng đa mục đích, sử dụng không gian ngầm, trên không,… để khởi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất nguồn lực tài nguyên đất đai, phù hợp với xu thế phát triển.

Dự án Luật Đất đai sửa đổi dự kiến sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, tháng 10/2022 và kỳ họp thứ 5 diễn ra vào tháng 5/2023. Đồng thời, thông qua tại kỳ họp thứ 6 vào tháng 10/2023.

Xem chi tiết Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): 

Bãi bỏ khung giá đất, sửa luật định giá đất theo thị trườngBỏ khung giá đất và quy định bảng giá đất phù hợp với thị trường. Sửa đổi, bổ sung phương pháp định giá đất (quy định tại Nghị định) và nội dung, nguyên tắc ưu tiên khi áp dụng các phương pháp định giá đất cho phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Thủ tướng: Nghiêm cấm lợi ích nhóm, tham nhũng về đất đai

Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương lấy ý kiến về đề xuất phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định trước 15/2, phù hợp với Nghị quyết số 39/2021 của Quốc hội, nghiêm cấm lợi ích nhóm, tham nhũng về đất đai.