Phương pháp bổ nhiệm Giáo sư ở Mỹ vừa góp phần ổn định toàn bộ hệ thống giáo dục đại học vừa bảo đảm cho học hàm Giáo sư "hữu danh", và "hữu thực".

>> Xem lại Kỳ 1: Không tiến bộ, giáo sư phải giải nghệ

Hết khác thường để giáo sư Việt ra quốc tế không lép vế

LTS: Tác giả cảm ơn góp ý của bạn đọc về cách dịch một số chức danh giáo sư. VietNamNet và tác giả cũng mạn phép trao đổi lại: bài viết này đã được xuất bản trên báo Văn nghệ Xuân 2003, thể hiện nhận thức của tác giả lúc đó. Nhận thấy bài viết có giá trị tham khảo nên VietNamNet xin phép sử dụng lại.

-----------------------

Có sự phân loại Giáo sư (có tính tương đối, và tiếng Việt chưa thống nhất trong cách dịch tên) theo một số danh hiệu chính sau đây:

Giáo sư đầy đủ (full professor): về mặt tổ chức, các Giáo sư này được coi là thuộc thành phần cơ hữu trong bộ phận giáo viên của trường (faculty). Khi một trường đại học đã coi một Giáo sư là Giáo sư đầy đủ thì gần như không có quyền cho người đó thôi việc với lý do trình độ, một phần vì họ đã được coi là chuyên gia đầu đàn không thể phủ nhận về mặt kiến thức. Nhưng phần khác cũng vì lợi ích của trường: trường sẽ không còn danh tiếng nữa nếu không có môn học thuộc chuyên ngành của vị Giáo sư đó, cũng như nếu còn chuyên ngành đó mà vị Giáo sư này không giảng nữa. Tạm so sánh như khi vở kịch và sô diễn không còn ngôi sao nữa thì khán giả cũng bớt hào hứng đi đến rạp.  

Như vậy, Giáo sư đầy đủ thường được coi là tài sản, đặc sản của từng trường và nhà trường phải tìm mọi cách giữ chân họ lại, nhất là khi các trường đại học thường tìm cách "câu" Giáo sư của nhau bằng cách đưa ra những mức lương và điều kiện làm việc, sinh hoạt hấp dẫn hơn. (Lương của một Giáo sư đầy đủ ở các trường đại học lớn có thể lên tới 150 đến 200.000 đô la Mỹ một năm. Lương của tổng thống Mỹ cho đến năm 2000 là 200.000 đô la/năm). Giáo sư đầy đủ chỉ chiếm khoảng 30% trong tổng số giáo sư ở một trường. Con số này có thể cao hơn nếu trường đại học có khả năng chi trả số lương cố định nhiều hơn. Nói một cách ngắn gọn, họ như thuộc loại có biên chế.  

Việc định chức danh Giáo sư đầy đủ còn có ý nghĩa khoa học và chính trị. Một Giáo sư đầy đủ có thâm niên cho biết để được bổ nhiệm chức danh này, các Giáo sư đó đã đạt đến độ hết lòng vì nghề nghiệp và sự nghiệp thì họ không còn phải lo về công ăn việc làm và cuộc sống nữa. Và chính điều này có tác dụng rất tích cực: họ chỉ phải tập trung vào giảng dạy và nghiên cứu, nhất là trên những lĩnh vực khoa học có tính tiên phong thường bị phê phán và hoài nghi. Ngoài ra, các Giáo sư này, trên cơ sở nghiên cứu khoa học và xu hướng chính trị riêng của mình, nếu có những ý kiến độc lập khác với lãnh đạo nhà trường cũng như với chính quyền thì nhờ có uy tín nhất định, họ sẽ có điều kiện tự do tư tưởng và công khai ý kiến của mình.  

Chính vì thế, giáo sư đại học Mỹ thường là giới có nhiều ý kiến đóng góp với chính giới nhất và là một nguồn bổ sung phong phú nhất cho chính trường, qua đó thể hiện vai trò "nguyên khí quốc gia" một cách tương đối đầy đủ nhất. Chỉ xin lấy một ví dụ: cứ mỗi một kỳ bầu cử và thành lập chính quyền mới từ cấp bang cho đến cấp liên bang ở Mỹ lại có hàng loạt Giáo sư đại học rời nhà trường và trở thành công chức cao cấp trong chính quyền mới và thay vào chỗ của họ là những vị cựu quan chức của chính quyền cũ hết nhiệm kỳ. Do vậy mà tổng thống Kennedy đã có thể thu nhận tới hơn 2.000 viên chức cao cấp trong vòng vài tháng sau khi nhậm chức. 

{keywords}
Đại học Yale là một trong các trường danh tiếng của Mỹ

Phó Giáo sư (associate professor): là các Giáo sư có lớp và có tiết dạy, nhưng thuộc loại hợp đồng dài hạn. Các Giáo sư này về trình độ thường là cũng rất giỏi, nhưng trường đại học nơi họ đang giảng dạy không đủ sức duy trì môn học của họ một cách dài hơi như môn của các Giáo sư đầy đủ.  

Nếu không có sinh viên, không có tiền để nuôi môn đó, trường sẽ chấm dứt hợp đồng với Phó Giáo sư. Tuy nhiên, một số đông Phó Giáo sư vẫn có thể yên tâm giảng dạy cho đến tận cuối đời hoặc trước khi tìm được một chỗ dạy/chỗ làm tốt hơn không phải vì trường không có học sinh. Lý do đơn giản còn là các trường đại học chỉ giữ tỉ lệ cơ hữu khoảng 30% (như đã nêu ở trên) để kích thích giáo viên chuyên cần và cố gắng hơn nữa để đợi khi có chỉ tiêu (Giáo sư đầy đủ về hưu hoặc chuyển đi nơi khác) thì trường bổ nhiệm họ làm Giáo sư đầy đủ. Có khoảng 50% Giáo sư là thuộc loại này. 

Giáo sư tập sự (assistant professor): đây là chức danh chủ yếu dành cho các Giáo sư trẻ mới được tuyển dụng để dạy các lớp có tính phụ trợ/bổ sung cho các lớp ở trình độ cao hơn. Các Giáo sư tập sự thường phải làm việc rất nhiều để chứng tỏ mình có triển vọng làm việc tốt để sau này sẽ được xét làm Phó Giáo sư. Các Giáo sư tập sự bao giờ cũng cần có một Giáo sư đầy đủ nhận kèm cặp trong thời gian mới vào nghề.  

Ngoài ra, còn có chức danh Giáo sư cộng tác (adjunct). Chức danh Giáo sư này có thể dành cho những Giáo sư giỏi, có nhiều kinh nghiệm và thậm chí tuổi tác cao khi họ chuyển từ các trường đại học khác về mà trường chưa có điều kiện xếp ngạch cao hơn, hoặc thời gian công tác có thể ngắn hạn, làm theo hợp đồng vụ việc.  

Như vậy, chức danh Giáo sư không có giá trị chuyển đổi toàn phần. Một người có bằng tiến sĩ đang làm công việc không liên quan đến giảng dạy, nhưng nếu muốn đi giảng bài và được mời giảng, thì trở thành Giáo sư. 

Một Giáo sư không công tác ở trường đại học nữa thì không còn là Giáo sư. Và Giáo sư của trường này khi chuyển sang trường khác không nhất thiết giữ nguyên chức danh của mình ở trường cũ. Chẳng hạn, nếu một Giáo sư đầy đủ của một trường muốn chuyển sang dạy ở một trường khác vẫn có thể chỉ được bổ nhiệm Phó Giáo sư, thậm chí Giáo sư tập sự và phải tuân theo sự thăng ngạch Giáo sư của trường mới.  

Tóm lại, bổ nhiệm và phân cấp Giáo sư ở Mỹ thuần tuý là việc công nhận một danh hiệu nghề nghiệp nằm trong chính sách tuyển dụng của từng trường đại học và từng trường được có sự chủ động trong việc phân và phong danh hiệu Giáo sư của mình. Nhưng tự chủ của các trường không có nghĩa là không có sự thống nhất ở cấp quốc gia. Vì một khi có bằng tiến sĩ là chuẩn mực đầu tiên để được công nhận chức danh Giáo sư và khi có các hội đồng khoa học với năng lực và uy tín chuyên môn cao, quy tụ được các chuyên gia tầm cỡ quốc gia để đánh giá công trình của các Giáo sư, thì nhìn chung mặt bằng kiến thức và trình độ của các vị Giáo sư khá đồng đều trong thứ hạng của mình trên phạm vi rộng. Bằng cách này, phương pháp bổ nhiệm Giáo sư ở Mỹ vừa góp phần ổn định toàn bộ hệ thống giáo dục đại học vừa bảo đảm cho học hàm Giáo sư "hữu danh", và "hữu thực". 

Nguyễn Vũ Tùng

(TS Đại học Columbia, hiện là PGS tại Học viện Ngoại giao)