Tiến sĩ Phạm Việt Long cho rằng, sự ghi nhận của UNESCO cho thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là "Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại" không chỉ nhấn mạnh giá trị văn hóa to lớn của đạo Mẫu mà còn minh chứng cho sức sống mãnh liệt và khả năng thích ứng của nó qua nhiều thế hệ.
Vì thế, viết cuốn sách này, ông Long phân tích ảnh hưởng và tác động của tín ngưỡng thờ Mẫu đến đời sống xã hội, tâm linh và nhận thức của người Việt; những thách thức và biến đổi của tín ngưỡng thờ Mẫu trong bối cảnh hiện đại hóa và toàn cầu hóa; đồng thời đưa ra một số giải pháp để bảo vệ, phát triển, truyền bá tín ngưỡng thờ Mẫu trong thời đại hiện nay; đề xuất Nhà nước ban hành hệ thống pháp luật, hướng dẫn, giáo dục, kiểm tra giám sát để duy trì và phát triển tín ngưỡng này một cách bền vững.
PGS.TS Đặng Văn Bài đánh giá, tác phẩm đã nghiên cứu sâu sắc về tín ngưỡng thờ Mẫu - phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa và tinh thần của người Việt.
Tác phẩm gồm 5 chương. Phần đầu tác giả phân tích khá tỉ mỉ các khái niệm, nguồn gốc, đặc trưng, phương thức và bản chất của tín ngưỡng thờ Mẫu, nhấn mạnh sự cần thiết bảo tồn và phát huy giá trị của nó trong xã hội hiện đại.
Chương 2 đưa người đọc đi sâu vào thế giới của nghi lễ và lễ hội liên quan đến thờ Mẫu - một phần quan trọng trong di sản văn hóa dân gian có tính thiêng của người Việt, làm nổi bật sự phong phú và độc đáo của tín ngưỡng này.
Chương 3 giúp độc giả hiểu thêm về đội ngũ thanh đồng, cung văn... là nhóm có vai trò quan trọng để duy trì và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Phần này cũng phác họa rõ nét bức tranh về các đền, miếu, phủ, chùa có điện thờ Mẫu, cùng các vật dụng như ban thờ, tranh thờ, tượng thờ... vốn là thứ không thể thiếu thực hành và bảo tồn tín ngưỡng thờ Mẫu. Đó không chỉ là nơi thờ cúng mà còn là không gian để cộng đồng tập hợp, thể hiện lòng kính trọng với các vị thần.
Chương 4, tác giả phân tích bối cảnh xã hội tác động đến tín ngưỡng thờ Mẫu, cũng như thực trạng của nó trong xã hội hiện đại. Bằng chứng là UNESCO đã công nhận thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là "Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại" năm 2016, khẳng định giá trị lan toả của tín ngưỡng này.
Chương cuối, tác giả đưa người đọc đến với hành trình khám phá sâu rộng về vai trò, ý nghĩa của tín ngưỡng thờ Mẫu trong đời sống tinh thần, xã hội, và văn hóa của người Việt. Từ đó kêu gọi cộng đồng cùng hành động để bảo tồn và phát huy di sản văn hóa này cho thế hệ tương lai.
Ảnh: BTC