Grab có trụ sở tại Singapore và GoTo của Indonesia đã dành phần lớn thời gian trong thập kỷ qua để tích hợp các dịch vụ tiêu dùng từ gọi xe đến giao đồ ăn vào một ứng dụng duy nhất. Các nhà đầu tư toàn cầu cũng mạnh tay bơm tiền, đặt cược vào sự tăng trưởng mạnh mẽ từ những người tiêu dùng am hiểu công nghệ của khu vực sau sự thành công của siêu ứng dụng (super-app) tại Trung Quốc, cũng như nhu cầu dịch vụ kỹ thuật số gây ra do đại dịch.

Tuy nhiên, chỉ trong vòng 12 tháng, Grab niêm yết trên sàn Nasdaq và GoTo niêm yết tại Jakarta đã buộc phải rút lui, sa thải hàng ngàn nhân sự và cắt giảm các đơn vị kinh doanh không cốt lõi. Đến nay, giá cổ phiếu của họ đang thấp hơn 60% giá ra mắt.

Loại bỏ nấu nướng đám mây, mát-xa tại nhà

Mô hình kinh doanh dựa trên việc lôi kéo khách hàng bằng các khuyến mãi được trợ giá đắt đỏ như giao hàng miễn phí, giảm giá và quà tặng để chiếm lĩnh thị trường Đông Nam Á đang đối mặt với bài toán chi phí.

Ba tháng đầu năm 2023, GoTo báo lỗ 260 triệu USD.

Theo các nhà phân tích, lãi suất tăng đã chấm dứt kỷ nguyên huy động vốn dễ dàng, buộc các công ty phải “đắn đo” khi đốt tiền kiểm tra tính khả thi thu lợi nhuận của hoạt động kinh doanh.

“Covid-19 đã mang lại cho GoTo và Grab sự tăng trưởng phi thường,” Angus Mackintosh, người sáng lập CrossASEAN Research cho biết. “Họ vẫn sở hữu mô hình siêu ứng dụng, song đã phải cắt giảm quy mô đi rất nhiều. Các công ty buộc phải kiếm được lợi nhuận”.

Tháng 6/2023, ngoài việc sa thải 11% lực lượng lao động, tương đương hơn 1.000 người, Grab cũng đóng cửa dịch vụ kinh doanh nấu nướng trên nền tảng đám mây, giảm trợ cấp trong các lĩnh vực như giao đồ ăn và dành ít thời gian hơn cho việc mở rộng sang các lĩnh vực khác như giải trí.

Ba tháng đầu năm 2023, các khoản lỗ của Grab đã giảm dần, chỉ còn 244 triệu USD. Trong khi đó, khối lượng bán hàng đạt mức tăng trưởng 3% so với mức 24% của cả năm 2022 và 11% cùng kỳ năm ngoái.

GoTo báo cáo lỗ ròng 260 triệu USD quý đầu tiên năm nay. Tốc độ tăng trưởng của công ty cũng chậm lại, với tổng giá trị giao dịch chỉ tăng 6% so với mức tăng trưởng 33% của cả năm trước và 18% trong cùng kỳ.

“Tăng trưởng chậm hơn thúc đẩy bởi những quyết định chủ động của công ty nhằm loại bỏ giao dịch chất lượng thấp và giao dịch được trợ giá, hướng đến một tương lai có thể sinh lãi”, công ty trụ sở Indonesia cho biết.

GoTo cũng đã thực hiện một số đợt cắt giảm việc làm và loại bỏ một số ngành kinh doanh theo yêu cầu tại nhà như GoClean (dọn dẹp) và GoMassage (mát-xa).

Kỳ vọng “lội ngược dòng”

Grab và GoTo được truyền cảm hứng từ “cha đẻ” siêu ứng dụng, WeChat của Tencent. Đây là ứng dụng phổ biến nhất thế giới, với hơn một tỷ người dùng, kết hợp nhắn tin, thanh toán trực tuyến, thương mại điện tử, hội nghị truyền hình, trò chơi điện tử, chia sẻ hình ảnh và một loạt chức năng khác.

Một giám đốc điều hành của Grab cho biết mặc dù công ty đã có sự “sắp xếp hợp lý hơn”, nhưng họ vẫn tin rằng mình có thể cung cấp nhiều dịch vụ và có lợi nhuận tương tự như Uber. 

Thành công của WeChat đã tạo ra cuộc cách mạng tương tự trong khu vực từ Hàn Quốc đến Indonesia, nơi người tiêu dùng bỗng dưng có quyền truy cập vào các dịch vụ mà trước đây họ không có, bao gồm cả việc cho hàng triệu người nghèo tiếp cận dịch vụ vay ngân hàng.

GoTo và Grab tuyên bố họ có rất nhiều cơ hội vì mức độ thâm nhập thị trường vẫn còn thấp ở Đông Nam Á, song một số người nghi ngờ về việc các siêu ứng dụng tại đây có thể mang lại lợi nhuận ổn định cho các nhà đầu tư. 

Các đối thủ Trung Quốc được tài trợ tốt như TikTok Shop thuộc sở hữu của ByteDance đã lấn sân sang lĩnh vực thương mại điện tử. Một đối thủ cạnh tranh đang phát triển nhanh khác với nhiều hoạt động kinh doanh là Sea do Tencent hậu thuẫn, chuyển sang lĩnh vực giao đồ ăn và cũng đang cạnh tranh gay gắt trong các dịch vụ tài chính, một lĩnh vực mà Grab và GoTo hy vọng sẽ phát triển.

“Các công ty này vẫn cung cấp nhiều dịch vụ hơn trên một ứng dụng so với Uber và gặp phải nhiều sự cạnh tranh. Mô hình kinh doanh của họ cũng chưa đủ lớn để có nền tảng tương lai bền vững. Họ vẫn loay hoay với bài toán đánh đổi tăng trưởng hay lợi nhuận”, một nhà đầu tư quyết định không đầu tư vào Gojek vào năm 2019 cho biết.

Trong khi đó, Shane Chesson, đối tác sáng lập Openspace, nhà quản lý quỹ đầu tư mạo hiểm và nhà đầu tư sớm vào Gojek, nhận định mô hình siêu ứng dụng vẫn “có ý nghĩa” khi đáp ứng được nhu cầu hoạt động hàng ngày của khách hàng. “Các công ty đã tái tập trung vào những thứ thiết yếu và loại bỏ những dịch vụ phù phiếm hơn. Sức ép xung quanh việc giảm giá liên tục cũng đã được kiểm soát,” Chesson nói.

(Theo FT)

Siêu ứng dụng Hàn Quốc - Kakao đối mặt bài toán hóc búa

Siêu ứng dụng Hàn Quốc - Kakao đối mặt bài toán hóc búa

Sau nhiều năm tăng trưởng nhanh, tập đoàn công nghệ Kakao của Hàn Quốc đang đứng trước áp lực chi tiêu mạnh tay đầu tư vào cơ sở hạ tầng sau sự cố cháy máy chủ gián đoạn dịch vụ ảnh hưởng hàng chục triệu người dùng vào tháng trước.