Grab là công ty trụ sở tại Singapore, đang niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq của Mỹ. Tính đến thời điểm cuối năm 2022, tập đoàn này có 9.942 nhân viên, chưa bao gồm 2.000 lao động tại chuỗi cửa hàng tạp hoá Jaya Grocer ở Malaysia mà công ty thâu tóm vào đầu năm ngoái.

Đây là vòng sa thải đầu tiên của Grab kể từ năm 2020, thời điểm công ty cắt giảm khoảng 360 việc làm khi đại dịch Covid-19 diễn ra.

CEO Anthony Tan nói rằng, công ty gọi xe và giao đồ ăn này vẫn đang “đi đúng hướng” với mục tiêu hoà vốn EBITDA (thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao tài sản cố định hữu hình và vô hình). Song, dựa trên cơ sở thu nhập ròng thì gã khổng lồ công nghệ Đông Nam Á còn cách xa mục tiêu có lợi nhuận. Trong ba tháng đầu năm, Grab báo lỗ ròng 250 triệu USD, giảm 43% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thành lập vào năm 2012, Grab khởi đầu là dịch vụ gọi xe, trước khi mở rộng sang lĩnh vực giao đồ ăn và dịch vụ tài chính, phát triển thành tập đoàn khổng lồ ở tám thị trường khu vực, một phần nhờ vào các ưu đãi lớn cho người dùng và tài xế đăng ký.

Tuy nhiên, sau khi lên sàn chứng khoán vào tháng 12/2021, công ty gặp áp lực bán tháo trên diện rộng khi nhà đầu tư quay lưng với những thương hiệu tăng trưởng cao nhưng thua lỗ do lãi suất tăng và suy thoái kinh tế. Đến nay, cổ phiếu Grab đã mất khoảng 70% giá trị.

Grab phản ứng bằng việc xoay trục từ việc liên tục mở rộng dịch vụ trên “siêu ứng dụng” sang tập trung cải thiện hoạt động kinh doanh vận chuyển và gọi xe cốt lõi.

Khác với các đối thủ trong khu vực như Sea (Singapore) và GoTo (Indonesia) đã cắt giảm hàng ngàn việc làm từ năm ngoái, Grab vẫn duy trì chính sách hạn chế sa thải và chỉ giảm tốc tuyển dụng, cũng như hợp lý hoá một số chức năng.

Vào tháng 12 năm ngoái, gã khổng lồ công nghệ thực hiện một loạt biện pháp tiết kiệm chi phí, bao gồm đóng băng tuyển dụng và quỹ tiền lương cho quản lý cấp cao, đồng thời cắt giảm ngân sách dành cho đi lại.

CEO Tan nói rằng, công ty cần có “những bước thay đổi cơ bản” trong mô hình hoạt động. “Mục tiêu của việc này là tổ chức lại công ty một cách chiến lược, để có thể linh hoạt hơn, làm việc thông minh hơn và cân đối hợp lý nguồn lực trong danh mục đầu tư cho phù hợp với chiến lược dài hạn”.

Bởi vậy, “tái cấu trúc là một bước đi đau đớn nhưng cần thiết để đưa Grab đi đúng quỹ đạo tương lai lâu dài” - người đứng đầu tập đoàn khẳng định.

(Theo NikkeiAsia)