Chính phủ vừa gửi Quốc hội báo cáo về việc tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với dự án Luật Căn cước. Báo cáo nêu rõ việc tích hợp một số thông tin vào thẻ căn cước và giải pháp thực hiện.

Theo Chính phủ, dự thảo Luật Căn cước trình Quốc hội bổ sung quy định tích hợp một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của người dân vào thẻ căn cước.

Thẻ căn cước có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin về người dân và tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Qua đó, tạo thuận lợi cho người dân thực hiện giao dịch dân sự, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, giúp giảm giấy tờ như: thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn.

Khi tích hợp nhiều thông tin vào thẻ căn cước, người dân sẽ không phải mang theo nhiều giấy tờ khi đi làm thủ tục hành chính.

Chính phủ cho biết, việc tích hợp được thực hiện bằng 2 biện pháp. Biện pháp thứ nhất là nạp thông tin tích hợp vào chip, mã QR code trên thẻ căn cước khi người dân thực hiện thủ tục cấp lần đầu, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước.

Với biện pháp trên, Chính phủ khẳng định không tốn chi phí việc tích hợp, người dân không phải mất phí làm thẻ căn cước lần đầu mà chỉ phải thanh toán phí cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước.

Biện pháp thứ hai là nạp thông tin tích hợp vào căn cước điện tử (tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNelD). Việc tích hợp này được thực hiện trực tuyến, không tốn chi phí.

Theo báo cáo của Chính phủ, việc sử dụng thẻ căn cước gắn chip đã được tích hợp thêm thông tin khác là một phương thức mới, ngoài phương thức hiện hành là sử dụng các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp.

“Quy định này không xung đột với quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan trong việc quản lý, sử dụng các giấy tờ nêu trên; không ảnh hưởng đến chức năng quản lý Nhà nước của bộ, ngành, địa phương với các loại giấy tờ, dữ liệu đang quản lý”, báo cáo của Chính phủ nêu.

Chính phủ cho biết, việc tiếp tục cấp hoặc không cấp bản giấy các giấy tờ chứa thông tin đã được tích hợp vào thẻ căn cước do cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định.

Trong trường hợp thẻ căn cước được sử dụng thay thế hoàn toàn cho việc sản xuất, cấp các loại giấy tờ khác thì sẽ được điều chỉnh, quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành có liên quan.

Hiện nay, thẻ căn cước gắn chip đã được sử dụng trong đăng ký khám, chữa bệnh theo thẻ bảo hiểm y tế. “Qua đó cho thấy hiệu quả tốt, đem lại nhiều thuận lợi cho người dân và cơ quan, tổ chức”, báo cáo nêu rõ.

Chính phủ khẳng định việc tích hợp thông tin vào thẻ căn cước sẽ giúp cơ quan Nhà nước giảm chi phí giải quyết thủ tục hành chính, đặc biệt là việc không phải in, sản xuất các giấy tờ cấp cho người dân.

Người dân, doanh nghiệp cũng được hưởng lợi từ chính sách này khi không phải tốn thời gian, công sức, chi phí để thực hiện việc trích lục, sao y, chứng thực, công chứng các loại giấy tờ của bản thân; giảm chi phí trong giải quyết thủ tục hành chính.

Theo định hướng, tùy theo sự phát triển của hạ tầng dữ liệu trong từng giai đoạn phát triển, các bộ, ngành, địa phương sẽ tiếp tục đề xuất việc tích hợp thông tin trên một số loại giấy tờ khác vào thẻ căn cước và báo cáo Thủ tướng quyết định.