Sáng 16/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương để tập trung đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng hệ thống chính trị năm 2022, những tháng đầu năm 2023, định hướng phát triển giai đoạn tiếp theo, giải quyết một số kiến nghị nhằm tạo điều kiện, thúc đẩy Hải Dương phát triển nhanh, bền vững.
Cùng dự buổi làm việc có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung và Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng.
Báo cáo tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng cho biết, năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng khoảng 9,14% (năm 2021 là 8,4%); quy mô nền kinh tế năm 2022 là 169.179 tỷ đồng (xếp thứ 11/63 toàn quốc); cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch sang công nghiệp, xây dựng và dịch vụ (chiếm tỷ trọng trên 90%).
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ đạt 87.300 tỷ đồng (tăng 14,2%); giá trị hàng hoá xuất khẩu 11,45 tỷ USD (tăng 4,8%); hàng hoá nhập khẩu 8,42 tỷ USD (tăng 9,4%). Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 52.100 tỷ đồng (tăng 5,7%). Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 20.098 tỷ đồng, tăng 36% so với dự toán giao.
Hải Dương đã xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 358/QĐ-TTg công nhận tỉnh Hải Dương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, là một trong 5 tỉnh đầu tiên trên cả nước hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn tiếp tục trong vị trí tốp đầu cả nước; học sinh giỏi quốc gia có tiến bộ vượt bậc, đứng thứ 3 toàn quốc. Cuối năm 2022, tỉ lệ lao động qua đào tạo được cấp chứng chỉ đạt 31,5%. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại; năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại, có quy mô nền kinh tế trong 10 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước; là trung tâm công nghiệp động lực của vùng Đồng bằng sông Hồng.
Năm 2045, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại; giữ gìn, phát huy di sản văn hóa, bản sắc con người xứ Đông; đảm nhiệm vai trò đầu mối giao lưu kinh tế- xã hội giữa các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc với vùng Đông Bắc, vùng duyên hải Bắc Bộ và cả nước. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2030 đạt bình quân trên 9%/năm.
Tỉnh Hải Dương xác định quan điểm phát triển là: Tập trung khơi dậy khát vọng phát triển, đổi mới sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường và sức mạnh khối đại đoàn kết của toàn Đảng bộ, nhân dân trong tỉnh với quan điểm phát triển xuyên suốt, bao trùm: "Tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo để phát triển bứt phá, bền vững, nâng tầm vị thế Hải Dương".
Chiến lược phát triển gồm: Bốn trụ cột - ba nền tảng - một trung tâm, ba đô thị động lực - bốn trục phát triển. Trong đó, bốn trụ cột gồm: Công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ; phát triển nông nghiệp đa giá trị; dịch vụ chất lượng cao; đô thị xanh, hiện đại, thông minh. Trong đó, lấy phát triển công nghiệp công nghệ cao làm mũi nhọn để dẫn dắt phát triển dịch vụ, nông nghiệp và đô thị.
Ba nền tảng gồm: Văn hóa và con người Hải Dương; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch; hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Hải Dương xây dựng Trung tâm phát triển thành phố Hải Dương và các đô thị động lực Chí Linh, Kinh Môn, Bình Giang.
Bốn trục phát triển gồm: Trục Bắc-Nam, trục Đông-Tây phía Bắc, trục Đông-Tây trung tâm, trục dọc các tuyến sông.
Kiến nghị xây dựng Khu hành chính tập trung
Để đạt được các mục tiêu kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đã kiến nghị tới Thủ tướng nhiều nội dung.
Hải Dương đề xuất Thủ tướng và các bộ, ngành liên quan quan tâm Dự án đầu tư xây dựng công trình nút giao lập thể giữa QL5, đường sắt Hà Nội - Hải Phòng và QL17B tại xã Kim Xuyên, huyện Kim Thành, tổng mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng.
Khi dự án nút giao lập thể hoàn thành, cùng với việc đầu tư các dự án đường kết nối bằng ngân sách địa phương, sẽ giải quyết tình trạng tắc nghẽn và hạn chế tai nạn giao thông trên QL5, QL17B, đồng thời tạo ra kết nối đồng bộ, liên vùng hệ thống đường giao thông trọng điểm, huyết mạch khu vực đồng bằng Bắc Bộ.
Hải Dương cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT sớm đầu tư Dự án cải tạo, mở rộng tuyến đường QL37 đoạn từ QL18 qua Côn Sơn - Kiếp Bạc, kết nối tỉnh Bắc Giang qua Cầu Đồng Việt, tổng mức đầu tư khoảng trên 1.000 tỷ đồng; Xem xét, cho phép thu hồi chủ trương giao Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư Tài chính Việt Nam (VIDIFI) là chủ đầu tư xây dựng kết cầu hạ tầng KCN Hoàng Diệu, KCN Hưng Đạo và giao cho UBND tỉnh Hải Dương lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.
Đáng chú ý, Tỉnh ủy Hải Dương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai đầu tư xây dựng Khu hành chính tập trung.
Hiện nay, trụ sở làm việc của các cơ quan cấp tỉnh hầu hết đã cũ, xuống cấp và nằm phân tán nhiều nơi. Hệ thống giao thông dẫn tới các trụ sở hành chính công như UBND tỉnh, các sở ngành đều rất chật hẹp. Việc xây dựng Khu hành chính tập trung mới nhằm tiết kiệm quỹ đất, tiết kiệm kinh phí đầu tư cải tạo, sửa chữa, đồng thời đáp ứng yêu cầu công tác cải cách hành chính, đi lại trong nhân dân.
Tỉnh Hải Dương đã bố trí 3,5ha trên tổng diện tích quy hoạch 18,7ha các công trình hỗn hợp tại thành phố Hải Dương để xây dựng Khu hành chính tập trung cho Tỉnh ủy, UBND, HĐND, Đoàn ĐBQH và các sở, ngành, đơn vị.
Đến nay, một số công trình đã được triển khai thi công hoàn thành theo quy hoạch được duyệt như: Trung tâm văn hóa xứ Đông, quảng trường, cây xanh... Bước đầu các công trình này đem lại hiệu quả tốt, được nhân dân ghi nhận.