Liên tiếp 2 tháng rưỡi qua, cổ phiếu HGP của CTCP Tập đoàn Hòa Phát tăng không ngừng, từ mức 16.200 đồng hôm 27/3 lên mức khoảng 28.000 đồng/cp như hiện tại. Mức tăng trên 70% trong một thời gian ngắn đã giúp vốn hóa của Tập đoàn Hòa Phát tăng thêm hơn 32 ngàn tỷ đồng (tương đương 1,4 tỷ USD).
Ông Trần Đình Long, chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, chứng kiến khối tài sản tăng thêm hơn 420 triệu USD. Nếu chỉ tính trong 2 tuần qua, theo Forbes, tài sản của ông Long cũng đã tăng thêm 100 triệu USD lên mức 1,1 tỷ USD (tính tới hết ngày 8/6).
Cũng giống hệt ông Long, chủ tịch Tập đoàn Masan (MSN) Nguyễn Đăng Quang cũng ghi nhận tài sản tăng thêm 100 triệu USD trong 2 tuần qua lên mức 1,1 tỷ USD (tính tới hết ngày 8/6) theo như tính toán của Forbes.
Ông Trần Đình Long có thêm 100 triệu USD trong 2 tuần. |
Các tỷ phú USD người Việt khác không ghi nhận giá trị tài sản tăng trong 2 tuần qua nhưng cũng đã tăng mạnh thêm vài trăm triệu USD mỗi người kể từ khi TTCK Việt Nam lập đáy hôm 23/3. Tính tới cuối ngày 8/6, theo Forbes, ông Phạm Nhật Vượng chủ tịch Vingroup có khối tài sản trị giá 6 tỷ USD, bà Nguyễn Thị Phương Thảo CEO VietJet (2,3 tỷ USD), gia đình ông Trần Bá Dương Thaco (1,5 tỷ USD) và chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh 1,2 tỷ USD.
Sở dĩ tài sản của các đại gia Việt Nam tăng mạnh trở lại chủ yếu do TTCK tăng vọt. Chỉ trong tháng 5, chỉ số VN-Index đã phục hồi 12,4% lên 864 điểm. Trong hơn một tuần đầu tháng 6, chỉ số này tiếp tục tăng mạnh và hiện đã lên ngưỡng 900 điểm.
Như vậy, đây là lần thứ 2 trong vòng hơn một thập kỷ qua, TTCK lại chứng kiến dòng tiền mạnh đổ vào. Trước đó, trong năm 2009, thị trường chứng kiến dòng tiền lớn từ gói kích thích của chính phủ đổ vào. Chỉ số VN-Index tăng gấp ba từ mức 235 lên 624 trong 9 tháng.
Bên cạnh đó, sự bứt phá bằng nội lực của nhiều doanh nghiệp cũng đóng góp vào đà đi lên của một số cổ phiếu, như trường hợp HPG và MSN.
Sở dĩ ông Trần Đình Long và ông Nguyễn Đăng Quang ghi nhận khối tài sản tăng vọt là nhờ kết quả kinh doanh của Tập đoàn Hòa Phát và Tập đoàn Masan ấn tượng ngay giữa đại dịch Covid.
Tỷ phú Việt có tài sản hồi phục nhanh chóng. |
HPG vừa thông kế hoạch năm nay để trình ĐHĐCĐ với doanh thu dự kiến 86 ngàn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 9 ngàn tỷ đồng, tăng lần lượt 33% và 19% thực hiện năm trước. Cổ tức năm 2019 dự chia 25%, trong đó 5% bằng tiền và 20% bằng cổ phiếu.
Theo báo cáo, trong 5 tháng đầu năm, Hòa Phát đã bán 1,26 triệu tấn thép xây dựng, tăng 9% cùng kỳ. Xuất khẩu thép thành phẩm 5 tháng tăng hơn 50% cùng kỳ.
Tập đoàn Hòa Phát của ông Long ghi nhận thị phần thép tăng vọt, doanh thu tăng mạnh, lợi nhuận lên cao nhờ khu liên hợp Dung Quất đã đi vào vận hành thương mại và sắp tới chuẩn bị ra thêm sản phẩm mới, giúp HPG khẳng định vị trí số 1, vị trí “vua thép” trên thị trường thép xây dựng Việt Nam.
Masan của ông Nguyễn Đăng Quang, trong khi đó, có thị phần ngày áp đảo trong những mảng như nước chấm, mì gói, tương ớt… Gần đây, Masan của ông Nguyễn Đăng Quang bật lên trong lĩnh vực thịt lợn với thương hiệu Masan MeatLife (MML).
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 9/6, chỉ số VN-Index tăng nhẹ điểm và chính thức chinh phục ngưỡng 900 điểm. Tuy nhiên, các cổ phếu blue-chips phân hóa sau nhiều phiên tăng mạnh.
Nhiều công ty chứng khoán có các dự báo thận trọng.
Theo BVSC, VN-Index dự báo sẽ tiếp tục hướng đến vùng kháng cự 920-940 điểm trong ngắn hạn. Tuy nhiên, thị trường có thể sẽ sớm xuất hiện các phiên rung lắc, điều chỉnh mạnh đan xen trong quá trình đi lên khi mà trạng thái quá mua trên thị trường đang lan tỏa trên diện rộng. Diễn biến thị trường giai đoạn này sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu. Dòng tiền nhiều khả năng sẽ tiếp tục hướng sự quan tâm đến các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có thể sẽ không tạo được sự đột biến khi hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs đang ở phía trước.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 8/6, VN-Index tăng 13,72 điểm lên 899,92 điểm; HNX-Index tăng 2,2 điểm lên 120,1 điểm. Upcom-Index tăng 0,87 điểm lên 57,3 điểm. Thanh khoản đạt khoảng 9,8 ngàn tỷ đồng.
V. Hà