“Nông dân ĐBSCL có biết gì đâu, nghe nói nước sắp về thì bà con xuống giống thôi. Do vậy, việc cần nhất bây giờ là, truyền thông và người quản lý tính toán giúp dân xem lượng nước đầu nguồn về có đủ để làm đất, xuống giống hay không”, giới khoa học góp ý.
LTS: Giữa cơn hạn - mặn nghiêm trọng hàng trăm năm mới xảy ra một lần, bà con nông dân ĐBSCL còn phải đối mặt với nhiều luồng thông tin, quan điểm khác nhau. Tuần Việt Nam đã trò chuyện với hai nhà khoa học: PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ) và ThS Kỷ Quang Vinh – Giám đốc trung tâm quan trắc Cần Thơ, những người đã có nhiều trải nghiệm tại vùng trung tâm hạn mặn.
Bài 2: Chuyện ở nơi chỉ trẻ em mới được.... tắm
Xem clip cảnh mặn - hạn và nông dân trông đợi nguồn nước về:
Ứng phó bị động
Nhà báo Hoàng Hường: Là những nhà chuyên môn, gắn bó với vùng ĐBSCL các ông có thể nói gì về trận hạn – xâm nhập mặn được xác định là nghiêm trọng nhất trong một trăm năm qua?
Ông Lê Anh Tuấn: Thật ra hiện tượng này đã được cảnh báo sớm từ các năm trước, chứ không phải bây giờ thấy hiện tượng nghiêm trọng như thế này mới rối lên.
Từ đầu năm 2015, tôi đã nói hiện tượng El Nino sẽ ngày càng bất thường. Một số báo chí cũng đã cảnh báo rồi. Nhưng chúng ta gần như chưa có sự chuẩn bị nào thật sự đáng kể như có biện pháp dự trữ nguồn nước cần thiết hay chủ động giảm bớt diện tích canh tác lúa, tăng cường giám sát độ mặn trên sông…
Từ đầu mùa khô tại ĐBSCL tháng 11, tháng 12 năm ngoái cho tới tháng 1 năm nay đã có dấu hiệu ngập mặn nhưng các cơ quan chức năng đã không cảnh báo kịp thời và chỉ đạo mạnh mẽ.
Người dân là đối tượng bị tác động nhiều nhất, nhưng họ lại nhận được ít thông tin nhất. Họ đã không được hướng dân xem năm nay không nên xuống giống lúa nhiều, hoặc đừng trồng những loại cây cần nhiều nước.
Hiện tượng nóng hạn, xâm nhập mặn đâu giống như một trận bão tố hay lũ quét tràn vào trong một thời gian ngắn, trở tay không kịp. Hạn - mặn đến từ từ vậy mà người dân đã trở tay không kịp.
Ông Kỷ Quang Vinh |
Ông Kỷ Quang Vinh: Vấn đề hạn nặng năm nay chủ yếu là do biến đổi khí hậu và nó phát tác mạnh hơn, trầm trọng hơn bởi những tác động của con người và tự nhiên.
Tác động của con người do từ vùng thượng nguồn và hạ nguồn đã có những hoạt động phát triển không bền vững. Những hoạt động dẫn đến việc hạn – mặn và thiếu nước ngọt, hiện tượng sụt lún đất càng đẩy xâm nhập mặn vào sâu trong đất liền. Hiện tượng này đã được ghi nhận từ năm 2014 đến giờ. Cần có giải pháp tổng thể.
Thứ nhất, phải làm sao phối hợp được với các quốc gia vùng thượng nguồn để cùng quản trị được nguồn nước chảy vào sông Mekong. Lưu lượng thấp nhất vào mùa khô là 3000m3/giây đúng theo tự nhiên và đủ sức để đẩy nước mặn ra ngoài.
Lưu lượng cao nhất vào mùa mưa là 40.000m3/giây là tối đa, vì khả năng thoát của sông Hậu và sông Tiền chỉ ở khoảng đó. Nếu thượng nguồn xả nhiều quá chúng ta sẽ ngập lụt.
Thứ hai, chủ động trữ đựng nước bằng hệ thống kênh rạch tự nhiên và thêm phương pháp sơ tán, không nên trữ tập trung, vì trữ tập trung đòi hỏi nhiều vấn đề kĩ thuật, kinh tế, chính sách khó khăn.
Bên cạnh đó, coi dự trữ nguồn nước ngầm là biện pháp chiến lược. Bảo vệ nguồn nước ngầm cũng để chống sụt lún đất.
Trong trường hợp ta không có nguồn nước, hoặc nước thượng nguồn không chảy về, phải tính tới biện pháp kỹ thuật xử lý nước mặn thành nước ngọt để cung cấp cho người dân. Hiện nay Israel và Singapore đang làm rất tốt công nghệ này và đạt hiệu suất rất cao. Theo tôi giá thành cho phương pháp này không hề cao hơn những chi phí ta bỏ ra xây dựng duy tu hệ thống đê điều chờ nước, và các biện pháp giải quyết thụ động như hiện nay.
Ông Lê Anh Tuấn |
Hoàng Hường: Vừa rồi khi nhắc đến hạn - mặn ở ĐBSCL, có ý kiến rằng “chúng ta đánh mắt sang Trung Quốc nhiều quá”, vì khu vực chịu ảnh hưởng của sông Mekong thực tế chỉ là 20% toàn ĐBSCL. Theo các ông, chúng ta nên nhìn nhận vấn đề này như thế nào cho chính xác?
Ông Lê Anh Tuấn: Vấn đề đập thuỷ điện và hồ chứa nước dọc sông mẹ Mekong không phải là toàn bộ nguyên nhân chính, nhưng nó làm trầm trọng thêm vấn đề. Mùa khô này lượng mưa rất ít, bốc hơi mạnh, hồ chứa của nước nào cũng phải tích nước càng nhiều càng tốt. Chính tổng hợp yếu tố đó làm tình hình hạn – mặn ở ĐBSCL càng thêm trầm trọng.
Trong lịch sử, có những lúc lượng nước ít ỏi như lúc này, thậm chí có thời điểm lưu lượng từ thượng lưu đến ĐBSCL thấp hơn, nhưng mặn không xâm nhập sâu như vậy. Tại sao? Một số nhà khoa học đưa ra giải thích do nước biển dâng cộng thêm một số tác động của con người gây ra như chúng ta đã thu hẹp đáng kể các vùng trũng trữ nước tự nhiên để gia tăng diện tích canh tác lúa 3 vụ.
Chúng ta đã không nắm được thông tin số liệu nước chảy, đặc biệt ở vùng thượng lưu sông Mekong. Lưu lượng trong các hồ chứa như thế nào và quy trình vận hành, xả nước xuống hạ lưu Mekong ra sao, chúng ta cũng không rõ. Thông tin mù mờ, thiếu chia sẻ càng làm khó cho việc dự báo khô hạn và các đánh giá tài nguyên nước dài hạn khó khăn hơn nhiều.
Ông Kỷ Quang Vinh: Theo tôi thì, biến đổi khí hậu vẫn là nguyên nhân chính. Ngoài ra tác động của con người đã làm trầm trọng thêm. Lượng nước từ TQ về (nếu có) chỉ chiếm 18% lưu lượng bình thường. Tuy nhiên, quan trọng nhất là lượng chảy trong mùa khô vì phần lớn lượng nước đã bị giữ lại tại các hồ thủy điện của các quốc gia thượng nguồn. Do đó vùng hạ lưu, trong đó có VN đã bị ảnh hưởng rất lớn.
Mấu chốt vẫn là, các nước liên quan cần làm việc với nhau để ra được thỏa thuận chung trong sử dụng nguồn nước sông Mekong.
Hoàng Hường: Sau đợt hạt mặn khốc liệt vừa qua bà con nông dân ở đây đã lãnh đủ, giờ nước đã về, các ông có lời khuyên gì hữu ích cho bà con vùng ĐBSCL?
Ông Lê Anh Tuấn: Chiều dài ngoằn ngoèo để nước từ TQ về đến vùng ven biển ĐBSCL là chừng 4.000 km, phải lấp bù các dòng nhánh và vùng trũng đang khô hạn, nếu không bị thất thoát nhiều trên đường đi cũng chỉ đủ tưới tắm cho một vài vùng lúa, chứ chưa đủ để xử lý vấn đề hạn hán đang xảy ra trên diện rộng.
Nông dân nói họ biết gì đâu, chỉ nghe báo đài nói là nước sắp về thì xuống giống thôi. Những người phụ trách vấn đề nước ở địa phương cũng nói nước sắp về thì chuẩn bị khơi thông kênh rạch đón nước để bà con vào vụ Hè Thu.
Tôi chưa thể lạc quan. Bởi vùng Vân Nam của Trung Quốc cũng đang khô hạn, họ cũng không giải quyết nổi chuyện thiếu nước của chính họ thì liệu họ có xả nước như các nước hạ lưu đang cần không.
Một số thông tin tới người nông dân vẫn chưa chính xác. Do vậy điều cần nhất hiện nay là các nhà khoa học và giới truyền thông cần phải giúp nông dân tiếp cận thông tin chính xác, kịp thời lưu lượng nước về ĐBSCL là bao nhiêu? Với lượng nước ấy, có đủ để đẩy mặn không? Lượng nước về như vậy, sau khi hoà với nước mặn thì lấy được bao nhiêu để sử dụng?
Thêm nữa, đồng ruộng đang khô nứt to đến lọt cả bàn chân, để chuẩn bị cho vụ tới sẽ cần lượng nước rất lớn để đất đủ mềm ẩm, chưa nói tới diện tích đất bị mặn, có dấu hiệu xì phèn thì cần lượng nước từ 1.000 – 1.500 m3 nước cho mỗi ha mới có thể tháo chua, rửa mặn.
Việc cần nhất bây giờ là, truyền thông và người quản lý tính toán giúp dân xem lượng nước đầu nguồn về có đủ để làm đất, xuống giống hay không.
(Còn nữa)
Hoàng Hường
Hạn hán lịch sử tại ĐBSCL: Chớp cơ hội làm giàu từ hạn mặn ở ĐBSCL Nước mặn không phải là kẻ thù của ĐBSCL |