Nhiều lời hứa hẹn của các đại gia bán lẻ sẽ bán hàng Việt ở Mỹ, Pháp, Đức, Nhật. Tuy nhiên, đó chỉ là một hướng nhỏ trong chiến lược thúc đẩy tiêu thụ, quảng bá hàng Việt hiện nay.
Xuất ngoại đi Hàn Quốc, Mỹ, Nhật
Chủ trì cuộc sơ kết 6 tháng đầu năm 2015 về Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt hôm 24/7, Thứ trưởng Bộ Công Thương, bà Hồ Thị Kim Thoa cho biết: tâm lý tin dùng hàng Việt đã tăng cao rõ rệt.
Bà Thoa nói: "Trước đây chỉ có 30% người được hỏi cho biết, có ưu tiên, quan tâm dùng hàng Việt nhưng sau 6 năm, tỷ lệ này đã cải thiện.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, năm nay, sẽ có 200 loại sản phẩm tiêu dùng của các doanh nghiệp Việt Nam được bán lẻ rộng rãi tại Hàn Quốc với giá trị hàng hóa khoảng 1 triệu đô la Mỹ. Con số này đã gấp 4 lần so với cuộc "tấn công" thị trường Hàn Quốc của hàng Việt Nam năm ngoái, chỉ được 250.000 USD.
Quá trình xuất ngoại hàng Việt được thực hiện thông qua nhà phân phối Lotte Việt Nam. Hiện nay, tại Hàn Quốc, hàng Việt cũng đã phủ sóng ở 114 siêu thị của nhà phân phối này.
Thứ trưởng Thoa còn cho hay, Bộ đang đẩy mạnh kế hoạch xuất khẩu hàng Việt Nam thông qua các doanh nghiệp FDI đang có mặt tại Việt Nam hoặc qua các nhà phân phối đang quan tâm đến Việt Nam. Cụ thể, Bộ này đã làm việc với Metro, Big C, AEON, Lotte...để yêu cầu có kế hoạch phân phối hàng Việt Nam ra nước ngoài.
Một số doanh nghiệp phân phối lớn của nước ngoài cũng được Bộ xúc tiến hợp tác trong việc thu mua hàng Việt Nam để phân phối trong toàn hệ thống như Wall Mart và Woolworths tại Mỹ, Auchan ở Pháp.
Tính tới thời điểm này, nhiều nông sản của Việt Nam đã bắt đầu thâm nhập ở các thị trường khó tính, điển hình là vải thiều đi Úc, Mỹ, Pháp vừa qua.
Giá còn cao, chất lượng còn kém
Bộ Công Thương thống kê cho biết, trong 6 tháng vừa qua, đã có hơn 8.000 tỷ đồng doanh thu mang lại từ hơn 101 đợt bán hàng Việt về nông thôn. Mỗi phiên chợ đưa hàng về miền núi, vùng sâu, xa cũng có doanh thu khoảng 500 triệu đồng. Cùng đó, 457 hội trợ, triển lãm diễn ra khắp cả nước cũng đã mang về doanh thu khoảng 560 tỷ đồng.
"Hoa quả như táo lê của Úc, Mỹ... quảng cáo rất ngon nhưng ở Hà Nội thực tế còn nhiều sản vật ngon mà người tiêu dùng lại không biết", bà Lan nói.
Ông Nguyễn Đình Chiến, Phó Giám đốc Sở Công Thương Yên Bái than thở: "Nhiều doanh nghiệp trong tỉnh tham gia cuộc vận động dùng hàng Việt rất đối phó, chiếu lệ. Do tỉnh miền núi giao thông không thuận lợi nên nhiều doanh nghiệp không mặn mà, lo ngại có không có lợi nhuận, doanh thu không bù được chi phí vận chuyển".
"Thu nhập của người tiêu dùng ở các khu vực nông thôn, miền núi còn thấp trong khi giá hàng Việt bán cho bà con vẫn còn cao, ví dụ như hàng dệt may, da giày, thực phẩm chế biến", ông Chiến nhận xét.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da – Giầy – Túi xách Việt Nam cũng đánh giá: “Hàng Việt Nam hiện chưa có nhiều thương hiệu nổi tiếng. Nhiều doanh nghiệp có sản phẩm tốt nhưng không chú trọng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nên phải đi qua các đầu mối trung gian, đẩy giá bán lên cao và lẫn lộn với hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái trước khi đến tay người tiêu dùng".
Đối với hàng Việt thuộc nhóm nguyên vật liệu, máy móc thiết bị, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trưởng trong nước, Bộ Công Thương, cho hay, nhiều trường hợp hàng kém chất lượng, bị lỗi thiết kế và chế tạo nên khi lắp đặt vận hành phải chỉnh sửa, ảnh hưởng đến tiến độ của dự án của chủ đầu tư. Chẳng hạn như khi lắp ghép tại hiện trường thì gặp tình trạng không ăn khớp dẫn đến ngừng, trễ dự án. Chưa kể, các loại máy móc Việt Nam cũng kém cạnh tranh với hàng cùng loại nhập từ Đài Loan, Trung Quốc.
Song, điều đáng lưu ý là, các loại máy móc thiết bị made in Vietnam còn bị loại ngay từ ý chí chủ quan của chủ đầu tư.
Chẳng hạn như, chủ đầu tư tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước nhưng lại yêu cầu hàng hóa phải có xuất xứ từ các nước phát triển như G7 hoặc xuất xứ từ Singapore - Hàn Quốc - Thái Lan, hoặc sản phẩm phải nhập khẩu đồng bộ, nguyên chiếc.
Phạm Huyền