-Dịch giả Bùi Việt Hoa có một trải nghiệm thú vị với câu chuyện bản quyền ở Phần Lan, khi bản dịch của chị được trích dẫn trong sách giáo khoa lớp 9.


{keywords}
Xe thư viện lưu động ở Helsinki

Sách ở Phần Lan

Lần đầu tiên đến Phần Lan vào mùa đông, điều gây ấn tượng mạnh nhất đối với tôi là tuyết và sách, báo. Cũng như tuyết, tôi bắt gặp sách, báo ở mọi nơi.

Sau nhiều lần đến thăm các gia đình người Phần Lan, tôi nhận thấy thật khó tìm được một căn hộ nào ở Phần Lan không có một giá sách trong nhà cũng như không có một nhiệt kế gắn ngoài cửa sổ.

Người Phần Lan từ già đến trẻ đều rất mê đọc sách. Con số thư viện công cộng: 815 thư viện cố định, 147 thư viện lưu dộng (chưa kể các thư viện ở các cơ sở nghiên cứu, trường học, bệnh viện, thư viện dành cho người khiếm thị) phục vụ cho khoảng 60 triệu lượt người, với hơn khoảng 92 triệu cuốn sách mỗi năm (trung bình 17, 2 ấn phẩm/người) đã nói lên điều đó.

Đọc sách là truyền thống đã có từ lâu của người Phần Lan và nó vẫn còn tiếp tục được lưu giữ đến ngày nay.

Từ xưa đến nay, sách vẫn là món quà phổ biến mà người Phần Lan thường tặng nhau vào những dịp lễ, tiết, nhất là vào dịp Giáng sinh.

Giáng sinh và những kỳ nghỉ là thời gian họ dành để nghỉ ngơi và đọc sách. Những năm gần đây, mặc dù bị khủng khoảng kinh tế nặng nề, nhưng “sách vẫn giữ một vị trí quan trọng trong xã hội Phần Lan”.

77% người Phần Lan mua một cuốn sách mỗi năm. 75% bậc cha mẹ đọc sách cho con nghe, một việc làm góp phần tạo nên thói quen đọc sách sớm cho trẻ.

Kết quả điều tra của tổ chức OECD thực hiện ở độ tuổi 15 cho biết: 44% học sinh Phần Lan thích đọc sách. Tỉ lệ thích đọc sách ở nữ sinh còn cao hơn, với 60%.

Người Phần Lan không chỉ đọc sách ở nhà, trong thư viện mà còn ở nơi công cộng, khi còn trên các phương tiện giao thông công cộng và cả những lúc nghỉ giữa giờ làm việc, thậm chí cả lúc đang ăn.

Với tỉ lệ 100% người ở độ tuổi đi học trở lên biết đọc và biết viết, lại sống trong điều kiện thời tiết lạnh và tối kéo dài, cũng dễ hiểu đọc là thị hiếu tự nhiên của người Phần Lan.

{keywords}
Phía trước thư viện Tampere

Phần Lan hiện có khoảng 3,500 đơn vị xuất bản, trong đó 10 công ty lớn nhất mỗi năm xuất bản khoảng 30% tổng số sách xuất bản của cả nước.

Với khoảng 4000 đầu sách mới được xuất bản mỗi năm, Phần Lan là một trong những nước dẫn đầu ở châu Âu về số lượng sách mới được xuất bản tính trung bình theo đầu người dân.

Đáng chú ý là hầu hết các sách mới xuất bản hàng năm ấy là của các tác giả Phần Lan, chỉ có khoảng 17% là sách dịch từ các tiếng nước ngoài. Cũng như thị hiếu ”chuộng hàng nội địa” đối với các mặt hàng tiêu dùng khác, người Phần Lan thích đọc sách của tác giả Phần Lan, viết bằng tiếng Phần Lan hơn so với tác phẩm dịch.

Mỗi năm, sách giáo dục và sách cho trẻ em chiếm tới 1/3 số lượng sách tiêu thụ trên thị trường. Các ấn phẩm sách báo điện tử hiện chiếm 7% và đang có xu hướng tăng lên.

Thị hiếu đọc sách của người dân cùng với các nguồn trợ giúp tài chính phong phú đa dạng cho các nhà văn đã giúp cho các nhà xuất bản cũng như giới sáng tác Phần Lan duy trì được hoạt động của mình trong thời kỳ khủng khoảng kinh tế hiện nay.

Vị trí của sách trong đời sống ở Phần Lan còn thể hiện qua sự phổ biến của các hội chợ sách ở nước này.

Mỗi năm có tới chín hội chợ sách lớn, nhỏ ở Phần Lan, trong đó các hội chợ sách Helsinki, Turku và Tampere có quy mô lớn nhất.

Hội chợ sách Helsinki năm 2014 tổ chức trong 3 ngày với 740 sự kiện và hơn 11 000 chương trình đã thu hút 60 000 lượt người, trong khi dân số thành phố chỉ 564 000 người.

Sự kiện đặc biệt và đáng chú ý nhất năm 2014 của Phần Lan là được làm khách danh dự của Hội chợ sách Frankfurt và Phần Lan đã tổ chức hết sức thành công hội chợ sách lớn nhất thế giới này.

Giám đốc Hội chợ sách Frankfurt, ông Juergen Boos đã đánh giá ”trong lịch sử của Hội chợ sách này chưa có nước nào thu hút được sự chú ý của các phương tiện truyền thông thế giới như Phần Lan. Hơn 7 500 bản tin nói về Phần Lan và các tác giả Phần Lan liên quan đến Hội chợ sách Frankfurt (kỉ lục trước đấy thuộc về Argentina là 5 400)”.

Phần Lan đem đến hội chợ hơn 210 đầu sách Phần Lan được dịch sang tiếng Đức, 60 tác giả, 30 chuyên gia nghiên cứu văn học và đại diện 37 đơn vị xuất bản. Trong thời gian hội chợ có hơn 270 sự kiện của Phần Lan diễn ra ở thành phố Frankfurt.

Năm 2015 là năm đọc sách của Phần Lan và vợ chồng Tổng thống Sauli Niinistö là những người bảo trợ cho năm đọc sách này.

Đặc biệt, Phần Lan đã quyết định kỷ niệm 100 năm quốc khánh Phần Lan vào năm 2017 bằng một sự kiện chính là sẽ khánh thành một thư viện công cộng mới của Helsinki ở khu trung tâm thủ đô, trước tòa nhà Nghị viện. Có lẽ trên thế giới không có nhiều quốc gia dành cho sách và thư viện một sự ”ưu ái đặc biệt” như vậy!

Và bản quyền ở Phần Lan

Bản quyền được tuân thủ rất nghiêm ngặt ở Phần Lan.

Từ năm 1961, Phần Lan đã ban hành luật bản quyền. Năm 2005 luật được bổ sung sửa đổi để đáp ứng những đòi hỏi của thời đại số và internet. Tất cả các sản phẩm sử dụng lại phải được sự dồng ý của chủ sở hữu và khi dùng lại đều phải ghi rõ nguồn gốc, kể cả trên internet.

{keywords}
Câu thơ bản quyền

Dịch giả Bùi Việt Hoa (người dịch sử thi Kalevala của Phần Lan sang tiếng Việt) đã có một trải nghiệm thú vị với câu chuyện bản quyền ở nước này.

Năm 2007 chị bất ngờ nhận được một email từ một người không quen biết xin được trích in mấy câu thơ trong bản dịch Kalevala tiếng Việt của chị vào cuốn sách giáo khoa lớp 9 dành cho học sinh học tiếng Phần Lan như ngôn ngữ thứ hai “Suomea toisena kielenä yhdeksäsluokkalaisille” do Nha Giáo dục Phần Lan xuất bản.

Chị đã email trả lời đồng ý và nghĩ thế là xong. Không ngờ, mấy tháng sau chị nhận được email của họ báo cho biết cuốn sách đã xuất bản và đề nghị chị cho xin số tài khoản của mình để họ trả tiền bản quyền.

Sau đó không lâu, chị nhận nhận được một cuốn sách biếu từ NXB cùng với tờ thiếp cám ơn của nhóm biên soạn. Giở sách ra thấy dưới đoạn trích có in cả tên sách tiếng Việt, tên người dịch, nơi xuất bản và năm xuất bản!

Đáng chú ý là Phần Lan còn có luật trả ”hoa hồng” cho các tác giả có sách được mượn từ các thư viện.

Theo luật này thư viện sẽ trả cho tác giả mỗi cuốn sách được mượn khoảng 0,035 euro một lần mượn. Năm 2014 tổng số tiền ”hoa hồng” mà các thư viện trả cho tác giả là 8,2 triệu euro.

  • Võ Xuân Quế (từ Helsinki, Phần Lan)